Nhiều cơ hội việc làm cho lao động từng đi xuất khẩu lao động Nhật Bản, Hàn Quốc về nước
Khai thác thế mạnh lao động xuất khẩu về nước
Để khai thác thế mạnh lao động xuất khẩu về nước, cuối tháng 7 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Lao động ngoài nước, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Quảng Nam, Đồng Tháp tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước, kết nối trực tuyến Hà Nội – Quảng Nam – Đồng Tháp.
Phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước |
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh & Xã hội Hà Nội cho biết: "Với những lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan về nước, hàng năm Sở Lao động thương binh & Xã hội Hà Nội đều giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nên kế hoạch, phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động thương binh & Xã hội) tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho các đối tượng lao động này, nhằm giúp họ có được việc làm ổn định sau khi về nước."
Phiên giao dịch năm nay thu hút 53 đơn vị đăng ký tham gia tại 3 đầu cầu Hà Nội, Quảng Nam, Đồng Tháp với tổng nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động là 10.910 chỉ tiêu, với đa dạng các vị trí, ngành nghề cùng mức lương hấp dẫn.
Đây là cơ hội thuận lợi dành cho người lao động, được tiếp cận và tham gia vào thị trường lao động, được tiếp xúc trực tiếp với các nhà tuyển dụng để lựa chọn những công việc phù hợp với trình độ, khả năng của bản thân; được tham gia tư vấn việc làm, tư vấn hướng nghiệp, chính sách pháp luật và cung cấp thông tin thông tin về thị trường lao động.
Đặc biệt có 31 đơn vị có vốn đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng các vị trí như: Phiên dịch viên, nhân viên kỹ thuật cơ khí, thợ vận hành máy, lắp ráp linh kiện điện tử…với các mức lương hâp dẫn, phù hợp với tay nghề và kinh nghiệm của người lao động đi thực tập sinh và làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản về nước có được các vị trí việc làm ổn định, thu nhập tốt góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội.
Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động thương binh & Xã hội) cho biết: "Những phiên giao dịch này nhằm tạo cơ hội cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và du học sinh IM Japan của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận tìm được việc làm sau khi về nước, có thu nhập để nhanh chóng ổn định cuộc sống; Đồng thời nhằm động viên, khuyến khích người lao động yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Bởi nhiều lao động Việt Nam ở Hàn Quốc lo lắng khi sắp hết hạn hợp đồng sẽ không tìm được việc làm ở quê hương, do vậy việc hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc có thể yên tâm quay về là vô cùng quan trọng".
"Cầu nối" cho các doanh nghiệp tuyển dụng
Trong những năm qua, đã có hơn 120.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan. Chương trình đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản gần 5 năm, những người lao động này không chỉ có tay nghề cao, am hiểu tâm lý hai quốc gia phát triển, văn hóa doanh nghiệp nước ngoài, mà còn có ưu điểm lớn là biết tiếng bản địa.
Bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích luỹ được, những lao động EPS và IM Japan sau khi về nước đã khởi nghiệp thành công, hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng còn có nhiều người lao động gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm của mình.
Các nhân viên tuyển dụng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam phỏng vấn người lao động |
Do đó, cung và cầu giữa lao động xuất khẩu về nước và các doanh nghiệp chưa thật sự gặp nhau trên thị trường lao động. Nhiều doanh nghiệp đang rất vất vả tìm lao động có kinh nghiệm làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản vì đối tượng lao động này vừa có nghề, vừa có ngoại ngữ.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, sẽ rất khó để có sự tiệm cận giữa cung và cầu lao động, đây là quy luật chung của thị trường. Song để kết nối lao động với doanh nghiệp nói chung và lao động xuất khẩu nước ngoài về nước nói riêng, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp cùng các địa phương lân cận tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc về nước làm việc.
"Thời điểm sau dịch COVID-19, một lượng rất lớn lao động quay trở về nước, băn khoăn lớn nhất của người lao động là liệu có tìm được công việc phù hợp tay nghề, trình độ và mức lương thỏa đáng hay không? Khi trực tiếp trao đổi ý kiến với người lao động, có thể thấy nhiều người còn băn khoăn khi thu nhập tại nước bạn lên đến vài chục triệu đồng mỗi tháng nhưng khi về Việt Nam mức lương lại thấp hơn nhiều, nếu mãi loay hoay tìm mức lương tương đương là rất khó. Khi về nước, người lao động phải chấp nhận mặt bằng lương chung trong nước. Đây cũng là rào cản tâm lý của nhiều lao động khi về nước”, ông Thành cho biết.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng khuyến cáo, người lao động trở về từ nước ngoài đôi khi còn thiếu những thông tin về thị trường lao động trong nước, do đó khi tìm kiếm việc làm, để tránh bị lừa đảo hay các “bẫy việc làm”, người lao động có thể tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố để được hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp uy tín.