Hiệu quả từ 3 chương trình đột phá của tỉnh Long An
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Đại hội Đảng bộ tỉnh Long Anh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 chương trình đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới tại Cần Giuộc |
Đến nay, các chương trình đột phá đạt nhiều kết quả khả quan. Theo đó, chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong sản xuất, dần hình thành các vùng chuyên canh tập trung; Gắn sản xuất theo chuỗi cung ứng hàng hóa an toàn và vận hành hệ thống kết nối cung - cầu nông sản an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An, trong thời gian thực hiện chương trình đột phá, nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân ngày càng rõ nét: Khẳng định tính đúng đắn của chương trình trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường.
Long An đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao |
Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến quí I/2023, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh là 43.787,3ha (đạt 73% kế hoạch); Rau màu đạt 1.944,9ha (97,2%); Thanh long 4.087,4ha (68,1%); Cây chanh 2.130ha (71%); Diện tích tôm nuôi theo hương công nghệ cao đạt 22,6ha (22,6%) và hình thành các vùng chăn nuôi bò thịt tập trung trên địa bàn các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa và Tân Trụ.
Xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ
Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Long An xác định huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là một trong 3 chương trình đột phá mang ý nghĩa chiến lược về phát triển kinh tế cần tập trung lãnh đạo triển khai, thực hiện.
Ông Đặng Hoàng Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chia sẻ, những công trình trong chương trình đột phá, công trình trọng điểm của Nghị quyết cơ bản đạt kế hoạch. Nhiều công trình, dự án được hình thành, từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nằm trong chương trình này có 8 công trình, gồm: Đường Lương Hòa - Bình Chánh; đường Hựu Thạnh - Tân Bửu; Đường tỉnh (ĐT) 826E; Đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E; Trục động lực Đức Hòa; Đường Tân Tập - Long Hậu; Nâng cấp, mở rộng ĐT824; Nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62 (TP Tân An).
Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2025, ngành Giao thông được giao nhiệm vụ triển khai 3 công trình trọng điểm: Đường vành đai TP Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; Quốc lộ 50B; ĐT830E.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cùng đoàn công tác khảo sát tại một công trình trọng điểm |
Đường vành đai TP Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây đến nay đã có mặt bằng thi công toàn tuyến. Ngành giao thông phối hợp UBND TP Tân An quyết tâm thông xe vào cuối năm 2023. Ngoài ra, ĐT 830E đi qua địa bàn huyện Bến Lức và Cần Đước vừa được khởi công ngày 21/4 vừa qua.
Theo ông Tuấn: “Khi các công trình giao thông kể trên hoàn thành, hệ thống giao thông vận tải của tỉnh sẽ được hoàn thiện theo hướng hiện đại, có tính kết nối cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị, đặc biệt tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm.
Giao thông đi trước một bước sẽ tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của Long An; Bảo đảm an ninh - quốc phòng và giúp tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Mục tiêu đào tạo khoảng 23.000 lao động mỗi năm
Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh được các ngành, địa phương tập trung thực hiện. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 75% lao động đã qua đào tạo; Trong đó, 35% có bằng cấp, chứng chỉ được đào tạo.
Giai đoạn 2020-2025, các cơ sở giáo dục, nghề nghiệp tuyển sinh 115.000 lao động, bình quân đào tạo khoảng 23.000 lao động/năm, gồm: Hệ cao đẳng 5.000 người, trung cấp 15.000 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng khoảng 95.000 người.
Long An quyết tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển (Trong ảnh: Đào tạo nghề ở Trường Cao đẳng Long An) |
Theo đó, lĩnh vực công nghiệp, các ngành nghề đào tạo phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp như năng lượng, cơ khí, điện tử, tự động hóa, chế biến… Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề đào tạo tập trung vào thú y, trồng trọt, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm chất lượng, đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh Long An cũng định hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia công tác giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; Tiếp tục thực hiện đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đề án đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế giai đoạn 2021-2025.