Hỗ trợ thanh niên vay vốn, tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô năm 2021; nhằm cụ thể hóa Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về hoạt động giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Ban Thường vụ Thành đoàn đã chỉ đạo 100% cơ sở Đoàn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương, đơn vị.
Trong đó, các đơn vị chú trọng vào công tác giám sát việc cho vay vốn ủy thác đúng đối tượng, đảm bảo thúc đẩy, tạo động lực cho đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động kinh tế và hoàn thành tốt các chỉ tiêu về an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn dân cư.
Mô hình sản xuất đá sạch của thanh niên Thủ đô |
Theo đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội, trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của đoàn viên, thanh niên. Điều này dẫn đến việc triển khai chính sách tín dụng của tổ chức Đoàn, Hội gặp khó khăn.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã tích cực, chủ động phối hợp với Trung ương Đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc với cơ quan có thẩm quyền. Từ đó, nhiều giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát vay vốn ủy thác cho thanh niên được thực hiện.
Kết quả cụ thể tính đến 1/10/2021, tổng dư nợ cho vay là 499 tỷ đồng, tăng 49 tỷ đồng (10,9%) so với đầu năm với 10.809 hộ vay thuộc 327 tổ “Tiết kiệm và vay vốn” .
Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng, huyện Thanh Oai trưng bày sản phẩm (ảnh tư liệu) |
Các đối tượng được vay vốn là những thanh niên có năng lực, có mong muốn được làm giàu chính đáng, từ đó góp một phần công sức của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Đặc biệt, công tác triển khai giám sát ngày càng được nâng cao hiệu quả với nhiều hình thức phù hợp với thực tiễn như: Tổ chức hội nghị online, tư vấn về mô hình kinh tế cho thanh niên, hỏi đáp trên fanpage các quận, huyện, thị đoàn,...
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyện, Phó Bí thư Huyện đoàn Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, căn cứ chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành đoàn, Huyện đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, trọng tâm là giám sát việc lưu giữ hồ sơ, sổ sách vay vốn, công tác tập huấn, phổ biến chủ trương về hoạt động ủy thác vay vốn, quá trình sử dụng vốn của người vay… Kết quả đạt được, các hợp tác xã, doanh nghiệp trẻ của đoàn viên thanh niên đã phát triển ấn tượng, góp phần quảng bá các sản phẩm truyền thống, nâng cao vị thế của huyện trên địa bàn thành phố.
Một trong số các doanh nghiệp được hỗ trợ có những thành quả đáng ghi nhận là Hợp tác xã nông nghiệp xã Tam Hưng với chứng nhận OCOP đạt 4 sao năm 2019 cấp thành phố, đạt danh hiệu top 3 hàng Việt Nam được yêu thích năm 2020. Trong năm 2021, nhiều sản phẩm của thanh niên đăng ký chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.
Thông qua các chương trình cho vay, nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã góp phần thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm; Giúp thanh niên có việc làm ổn định, từ đó tránh xa được các tệ nạn tiêu cực, đảm bảo an sinh xã hội. Hoạt động cũng thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng, Chính phủ và thành phố tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.