Hoàng mai xứ Huế
Lễ hội “Mai vàng sắc xuân” hứa hẹn là điểm vui Tết sôi động bậc nhất Đà thành Làng hương trăm tuổi xứ Huế Ngắm mai vàng thương Tết phương Nam |
Hoàng mai trở thành biểu tượng sắc xuân gắn với đời sống của người dân xứ Huế (Ảnh CTV) |
Hoàng mai - nét đặc trưng vùng đất cố đô
Hoàng mai xứ Huế được trồng từ rất lâu ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà... ở khắp xứ Huế, tạo nên vẻ đẹp tao nhã và trở thành biểu tượng sắc xuân gắn với đời sống của người dân địa phương.
Hoàng mai được vương triều nhà Nguyễn khẳng định một cách chính danh khi hoàng đế Minh Mạng cho khắc trên Nghị đỉnh (thuộc Cửu đỉnh, đúc năm 1835), là một trong 153 hình ảnh tiêu biểu mang tính biểu tượng của Việt Nam.
Hoàng mai xứ Huế được trồng từ rất lâu ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà... (Ảnh CTV) |
Theo ông Trương Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Hoàng mai Huế, đối với người từ Quảng Trị trở vào, mai vàng là hoa xuân và đến nay vẫn có nhiều vùng trồng mai nổi tiếng như: Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Thủ Đức, Biên Hòa, Vĩnh Long...
Tuy nhiên, mai vàng Huế luôn được nhắc đến như một giống đặc hữu, có vị thế riêng đặc trưng dễ nhận biết, hoàng mai Huế không có lá màu đỏ như hồng diệp mai của vùng Trung Trung Bộ, hay nhiều cánh như hoa mai của miền Nam.
Được biết, hoàng mai xứ Huế chỉ có 5 cánh, 6 cánh và lá xanh, cánh dày màu vàng tươi rực rỡ có hương thơm nhè nhẹ, tinh khiết và thanh thoát rất riêng biệt. Đây là đặc tính cảm quan của hoàng mai Huế, dùng để phân biệt các loại mai khác. Hoàng mai thường có 3 loại: Mai Mỡ, mai Trâu và mai Sẻ.
Hoàng mai xứ Huế chỉ có 5 cánh, 6 cánh và lá xanh, cánh dày màu vàng tươi rực rỡ có hương thơm nhè nhẹ rất riêng biệt |
Nói đến hoàng mai không chỉ có hoa mà các loại dáng thế; trong đó nổi tiếng nhất ở Huế là thế mai “Lưỡng long chầu nguyệt”, và cũng chính sự khắc nghiệt của thời tiết đã nhào nặn nên nét đẹp hiếm có của hoàng mai.
Bên cạnh đó, hoàng mai Huế không chỉ ghi dấu ấn trong văn hóa lễ hội hoa xuân mỗi độ Tết đến Xuân về, mà còn được khẳng định thương hiệu bởi những giá trị nghệ thuật bonsai với những bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã nâng tầm giá trị thương hiệu và kinh tế.
Chơi mai vàng bằng nghệ thuật bonsai tại Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, TP Huế), ông Nguyễn Văn Lam cho biết, ông đến với mai vàng bằng sự đam mê thấm vào máu thịt từ thời niên thiếu. Ông có điều kiện trồng và chơi mai vàng tại vườn đồi ở quê nhà với dáng thế bonsai không dưới 1.000 cây.
Ngoài các thế uốn len lỏi trong hóc đá, trong bình trà, bình gốm còn các dáng thế "long đổ", "long chầu", "trực quân tử", "thất hiền", "ngũ phúc"... từ khi mới chỉ là cây phôi.
Đưa hoàng mai trở thành thương hiệu xứ Huế
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, có nhiều ngôi làng chuyên trồng mai cảnh. Điển hình như làng Thế Chí Tây ở xã Điền Hòa (huyện Phong Điền). Đây là làng nghề truyền thống nổi tiếng trồng mai cảnh hàng trăm năm nay.
Tại làng có hơn 40% người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng mai. Chỉ tính trong hai năm gần đây, toàn xã đã có khoảng 5.000 cây mai thương mại và gần 15.000 cây mai giống.
Theo ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, cây hoàng mai không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang rất nhiều ý nghĩa trong đời sống tinh thần người dân cố đô |
Khác với những cây kiểng khác, hoàng mai Huế dù trong trong chậu hay sân nhà đều có giá trị kinh tế cao. Những cây mai từ 30 - 60 tuổi có giá trị dao động từ 100 đến vài trăm triệu đồng/cây. Có những gốc mai tuổi đời cả trăm năm được rao bán với giá vài tỷ đồng.
Nắm bắt được lợi thế của hoàng, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt đề án “Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam", đưa hoàng mai trở thành thương hiệu riêng của Huế.
Theo đó, năm 2021 tỉnh đã phát động phong trào "Mai vàng trước ngõ" nhằm khôi phục truyền thống trồng mai, chơi mai cảnh của người dân. Hình thành các điểm sản xuất, phân phối giống mai vàng xứ Huế nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ở Huế hiện nay, những cây hoàng mai lớn và đẹp bậc nhất phải kể đến vườn mai đặc trưng ở công viên trên đường Lê Duẩn (TP Huế), và vườn hoàng mai khác với 183 cây ở công viên bên trong Kinh thành Huế trước Đại Nội, đoạn dọc phía sau hai nhà để cửu vị thần công. Những cây mai này cũng thuộc vào hàng "lão mai" được chọn lựa rất kỹ từ nhiều vùng quê ngoại ô Huế.
Tỉnh TT - Huế đã phát động phong trào "Mai vàng trước ngõ" nhằm khôi phục truyền thống trồng mai, chơi mai cảnh của người dân (Ảnh CTV) |
Hoa phượng vỹ của cả thế giới, nhưng đã thành màu hoa riêng của Hải Phòng - thành phố hoa phượng đỏ, tỉnh Điện Biên đã cho trồng hoa ban khắp các con đường của thành phố Điện Biên Phủ với mong muốn xây dựng tỉnh gắn liền với hoa ban, biến loài hoa của núi rừng Tây Bắc thành biểu tượng của thành phố này. Do đó, việc xây dựng thương hiệu là điều cần thiết để từng bước phát huy giá trị của hoàng mai xứ Huế.
Với đề án "Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam", tỉnh phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được ít nhất ba rừng mai có quy mô, diện tích, số lượng, địa điểm phù hợp để tổ chức sự kiện, du lịch, thưởng ngoạn…
Ngoài ra, 100% huyện, thị xã và TP Huế xây dựng các tuyến đường, vườn mai có quy mô phù hợp phục vụ du lịch là điểm đến đặc sắc của địa phương.
Giám đốc Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hồ Thắng cho biết, ngày 2/1/2024 hoàng mai Huế đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, đồng thời thực hiện đề tài nghiên cứu bảo tồn nguồn gen mai vàng Huế, nghiên cứu quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ sâu bệnh cho cây mai. Đặc biệt, thời gian tới sẽ công bố quần thể mai vàng trên 100 tuổi, mai đầu dòng, các vườn giống mai vàng Huế đạt chuẩn để phục vụ phát triển hoàng mai Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, chủ lực của tỉnh Thừa Thiên - Huế có giá trị văn hóa và kinh tế cao. |