Hướng đi nào cho phát triển du lịch cộng đồng ở Bắc Từ Liêm?
Tuổi trẻ Bắc Từ Liêm hành trình theo bước chân những người anh hùng Sôi nổi Hội thi hè thiếu nhi Bắc Từ Liêm Kết nối các chuỗi giá trị để phát triển công nghiệp văn hóa |
Hệ thống di sản, di tích lịch sử phong phú
Theo danh mục kiểm kê di tích được công bố tại Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 của UBND TP Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm có 92 di tích, 35 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 63 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.
Quận có 29 lễ hội truyền thống, trong đó có 3 lễ hội đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là: Lễ hội Đình Chèm (phường Thụy Phương); Lễ hội Bơi Đăm (phường Tây Tựu); Lễ hội truyền thống lễ kết chạ Kiều Mai - Phú Mỹ (phường Phúc Diễn).
Ngoài ra, quận có 26 di tích cách mạng kháng chiến và lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (trong đó có 23 di tích đã được UBND TP Hà Nội công nhận gắn biển); hàng ngàn di vật, cổ vật quý hiếm...
Ngày 25/6/2018, đình Chèm được nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. |
Đáng chú ý, tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Quả chuông Thời Ngô tại đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc.
Quan tâm tu bổ, quản lý di tích
Nhận thức rõ tiềm năng sẵn có, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo làm tốt công tác tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị di tích, giải phóng mặt bằng mở rộng khuôn viên di tích; quản lý tốt các công trình xây dựng liền kề, không làm ảnh hưởng đến không gian cảnh quan di tích; kiện toàn 12 Ban Quản lý di tích phường và 31 Tiểu Ban quản lý di tích tổ dân phố.
Quận đã rà soát, đưa vào danh mục đầu tư chống xuống cấp tổng số 50 dự án di tích với tổng mức đầu tư khoảng 691,1 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, quận Bắc Từ Liêm đã đề xuất đưa Dự án tu bổ tôn tạo di tích đình Chèm và xây dựng điểm đến phục vụ du lịch vào danh mục đầu tư theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư là 144,8 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách thành phố.
Đặc biệt, quận đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn, tiêu biểu như chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” tại Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm vào ngày 18/11/2023.
Năm 2024, chương trình nghệ thuật “Dấu thiêng miền đất cổ” chào mừng lễ hội truyền thống đình Chèm năm 2024 thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham dự.
Lãnh đạo TP tặng quà lưu niệm cho quận Bắc Từ Liêm tại chương trình “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” |
Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, đó là những hoạt động thiết thực của quận để thực hiện Chương trình số 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” và Nghị quyết số 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội.
Chương trình “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” tại Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm vào ngày 18/11/2023 do Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp cùng quận Bắc Từ Liêm tổ chức |
Hướng phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả
PGS.TS Lại Xuân Thủy (Học viện Phụ nữ Việt Nam) đánh giá, chính quyền và Nhân dân quận Bắc Từ Liêm đã có nhiều hoạt động tích cực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quận.
Bên cạnh đó, PGS.TS Lại Xuân Thủy cho rằng, Bắc Từ Liêm có nét tương đồng với làng cổ Đường Lâm nên hoàn toàn có thể đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.
Khách đến đây có thể tham quan các di sản văn hóa như đình Chèm, đình Đông Ngạc, chùa Chèm; thưởng thức ẩm thực đặc sản giò Chèm, nem Vẽ, cháo Cái, chè kho; xem diễn xướng ca trù; trải nghiệm trồng và chăm sóc hoa ở Tây Tựu, chế biến hoa khô; hóa thân thành học trò/sĩ tử thời xưa ở làng Đông Ngạc, đạp xe quanh làng cổ…
Hội đình Chèm cũng được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia |
Chuyên gia này cho rằng, cần đào tạo cho người dân những kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng. Chính quyền, người dân nơi đây và doanh nghiệp cần liên kết với các mạng lưới du lịch chung của thành phố và quận; các công ty lữ hành để xây dựng các chương trình, tuyến du lịch cụ thể đến các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Quận Bắc Từ Liêm nên tổ chức các hội nghị, tọa đàm với các công ty du lịch có kinh nghiệm về du lịch di sản; khảo sát tính khả thi của chuỗi di sản dự kiến đưa vào tour, lên kế hoạch và ký thỏa thuận hợp tác để triển khai tour, từ đó phát huy giá trị của di sản” - PGS.TS Lại Xuân Thủy nhấn mạnh giải pháp.