Italy: Người dân tìm đến tín dụng “đen” để vượt qua đại dịch
Người dân xếp hàng trước một cửa hiệu cầm đồ ở Italy hồi tháng trước (Ảnh: NYT) |
Khi cuộc sống đảo lộn…
Những hậu quả kinh tế từ việc giãn cách xã hội đã khiến cuộc sống của bà Anita Paris, một góa phụ 75 tuổi lâm vào cảnh khó khăn. Con trai bà là thợ sửa xe, lao động chính trong gia đình giờ đây lâm vào cảnh thất nghiệp vì đại dịch.
Tiền lương hưu ít ỏi khiến bà chỉ còn trông đợi vào những khoản phúc lợi xã hội của Chính phủ. Tuy nhiên, đến giờ bà vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Do đó, bà Paris đã quyết định tìm đến một mạng lưới tín dụng “đen” mà người dân Italy dựa vào trong nhiều thập kỷ qua, mỗi khi thảm họa ập đến, từ chiến tranh, nghèo đói, dịch bệnh hay suy thoái kinh tế… Bà lục tung căn nhà để tìm nhẫn, vòng tay, dây chuyền và “mọi thứ có giá trị” để đem tới các cửa hiệu cầm đồ, nơi đang trở thành một phần của hệ thống tài chính - ngân hàng tại Italy.
“Tôi có nhiều hóa đơn phải thanh toán”, bà Paris nói sau khi cầm cố tư trang trong tại một tiệm cầm đồ có trụ sở bên trong tòa cung điện xây dựng theo phong cách kiến trúc Baroque từ cuối thế kỷ XVI, có tuổi đời trên 400 năm.
Bức tranh kinh tế của Italy và nhất là đối với những người dân đang cần tiền mặt, có vẻ không tốt. Các ngân hàng gánh đầy những khoản nợ xấu và không đủ khả năng gia hạn tín dụng.
Bên trong một quầy cầm đồ ở Napoli, Italy (Ảnh: NYT) |
Các gói viện trợ của Chính phủ và biện pháp đảm bảo việc làm trị giá hàng tỷ Euro sẽ hết hạn vào cuối hè này. Nền kinh tế Italy ước tính sụt giảm khoảng 13% trong năm nay.
Có thể thấy rõ sự lo lắng len lỏi vào cuộc sống của người dân Italy khi các cửa hiệu cầm đồ nườm nượp khách ra vào. Họ lo lắng sẽ bị thất nghiệp, công việc kinh doanh ế ẩm… không có thu nhập đảm bảo cuộc sống thường ngày.
Silvia Agora, một phụ nữ 47 tuổi, gần như đã kiếm đủ tiền với nghề làm tóc để chuộc lại chiếc vòng tay bằng vàng mà gia đình cô đã cầm cố. Sau đó, lệnh phong tỏa để chống dịch Covid-19 đã khiến cửa tiệm của cô phải tạm thời đóng cửa.
Tuy nhiên, khi được mở cửa trở lại vào tháng 5, các hạn chế về giãn cách xã hội đã làm giảm đáng kể số lượng khách hàng. Bây giờ, bà Silvia Agora chỉ có thể tiếp tục trả khoãn lãi cho món đồ mà đang cầm cố mà chưa biết khi nào mới có thể lấy về.
Tín dụng “đen” có từ lâu đời
Theo các nhà quản lý của những tiệm cầm đồ, hoạt động của hình thức tín dụng này tăng từ 20 đến 30% ngay sau khi trạng thái phong tỏa có hiệu lực trên khắp Italy. Với các gói hỗ trợ sắp hết hạn, họ kỳ vọng hoạt động kinh doanh này sẽ còn tăng vọt.
“Vào mùa thu, chúng ta sẽ thấy vấn đề tài chính còn thê thảm hơn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ giúp cho tình hình trở nên khá khẩm hơn”, ông Rainer Steger, Tổng Giám đốc Tập đoàn cầm đồ Affide có trụ sở ở Rome cho hay. Với bộ vest lịch thiệp, trông ông Steger không khác gì một người quản lý ngân hàng cả.
Hệ thống các cửa hiệu cầm đồ có từ nhiều thế kỷ trước, giờ đang trỗi dậy tại Italy (Ảnh: NYT) |
Ở nhiều nơi, hình ảnh các hiệu cầm đồ thường gắn với kính chống đạn, súng… thì tại Italy, nó đã trở thành một phần của hệ thống ngân hàng nước này trong nhiều thế kỷ.
Những tiệm cầm đồ đầu tiên tại Italy xuất hiện từ thời Trung cổ. Vào thế kỷ XV, trong một nỗ lực chống lại sự cho vay nặng lãi, những nhà thờ Công giáo đã tập hợp tiền của người giàu có trong vùng và lập nên một quỹ dùng để cho người nghèo vay tiền, từ đó đem lại lợi tức cho những người bỏ tiền vào quỹ. Đến nay, những doanh nghiệp theo mô hình này vẫn là một phần không thể tách rời của hệ thống tài chính Italy.
Các hoạt động đấu giá những tài sản có giá trị như ngà voi, đồ trang sức quý giá hay di vật của người nổi tiếng cũng được liệt vào danh sách được các hiệu cầm đồ khai thác triệt để.
Mạng lưới các tiệm cầm đồ được thiết lập một cách chặt chẽ, hình thành nên các đế chế doanh nghiệp có quy mô không thua kém các tổ chức ngân hàng khác. Dorotheum, công ty mẹ của Affide, có tuổi đời trên 300 năm, hiện có hơn 40 chi nhánh khắp Italy.
Bức tranh buồn của nông dân Mỹ Các hãng truyền thông quốc tế thi nhau cắt giảm nhân sự Thị trường lao động thế giới khó hồi phục đến hết năm 2021 do đại dịch Covid-19 |