Khi nông dân Thường Tín khẳng định vị thế...
“OCOP Thường Tín” nắm bắt cơ hội, lan tỏa thương hiệu Nỗ lực trên hành trình về đích Nông thôn mới kiểu mẫu Thường Tín đoạt hai giải nhất cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ 2022 |
Chỗ dựa của hàng chục nghìn nông dân
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Hội Nông dân Việt Nam, những năm qua, với trách nhiệm của mình, Hội Nông dân huyện Thường Tín đã không ngừng nỗ lực, tích cực đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Với tổng số 33.902 hội viên tham gia sinh hoạt tại 29 cơ sở hội xã, thị trấn, 157 chi hội thôn, cụm dân cư và 1 chi hội nghề nghiệp.
Các cấp hội nông dân trong huyện đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, từ đó đã thu hút hội viên và nông dân tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào được phát triển cả bề rộng và chiều sâu, được nâng cao về chất lượng, bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân.
Hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện 3 phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Hàng năm, có trên 68% hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", qua bình xét cuối năm có từ 60 đến 65% só hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Rau mầm của nông dân Thường Tín |
Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuát giỏi, nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả. Đến nay toàn huyện có 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch của 17 tổ chức, cá nhân, 14 mô hình liên kết chuỗi tại xã Ninh Sở, Lê Lợi, Văn Bình, Nghiêm Xuyên, Thư Phú, Thống Nhất, Tiền Phong... đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Qua đó, Thường Tín bước đầu đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung cho năng suất và giá trị thu nhập cao như: vùng sản xuất rau an toàn Tân Minh, Văn Phú, Thư Phú, Hà Hồi, Dũng Tiến; vùng trồng hoa cây cảnh Hồng Vân, Vân Tảo, Thắng Lợi; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tại các xã Văn Tự, Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên, Lê Lợi; vùng có Làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp truyền thống tại các xã Tiền Phong, Nhị Khê, Duyên Thái, Vạn Điểm, Hiền Giang, Minh Cường, Thắng Lợi, Quất Động...
Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hội viên còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và công tác xã hội. Rất nhiều nông dân khi làm ăn phát đạt có điều kiện kinh tế không những tạo việc làm cho các nông dân khác mà còn tham gia các hoạt động từ thiện, xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng thương hiệu nông dân Thường Tín
Chương trình xây dựng thương hiệu và giới thiệu, sản phẩm cho nông dân được hội triển khai hằng năm. Hội đã phối hợp với phòng kinh tế, Học viện Nông nghiệp Hà Nội làm các bước xây dựng thương hiệu Khoai tây Thường Tín, Dưa chuột Ba Lăng; kịp thời giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của huyện, góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Hội đã phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn kiến thức xây dựng thương hiệu sản phẩm cho 1.333 lượt cán bộ hội từ huyện đến các chi hội trưởng cơ sở, đồng thời chỉ đạo xây dựng các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. Đến nay toàn huyện đã xây dựng được 22 mô hình kinh tế tập thể, 34 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Tiêu biểu là mô hình đường hoa, cây cảnh xã Hồng vân, VAC xã Thư Phú, mô hình trồng chuối Tây bằng phương pháp ghép mô với diện tích 27 mẫu tại xã Chương Dương…
Nông dân Thường Tín đang dần khẳng định vị thế |
Để tạo điều kiện giúp nông dân có nguồn lực phát triển kinh tế, Hội nông dân các cấp trong huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tạo điều kiện cho nông dân vay vốn.
Tính đến nay tổng dư nợ từ vay vôn Ngân hàng chính sách xã hội là 140,578 tỷ đồng với 90 tổ cho 3.022 hộ hội viên nông dân vay, vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn là 35,900.9 tỷ đồng với 36 tổ và 331 hộ hội viên nông dân vay. Đặc biệt tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân ba cấp do Hội Nông dân huyện quản lý hiện nay là 46,545.5 tỷ (trong đó Nguồn thành phố 40,793 tỷ, nguồn huyện 3,91 tỷ, nguồn xã 1 tỷ 842,5 triệu đồng) đã giúp cho hàng nghìn lượt hội viên vay. Thông qua các nguồn vốn vay đã tạo điều kiện để nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập cho hội viên nông dân trên địa bàn.
Tiếp tục đồng hành cùng hội viên, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân huyện Thường Tín sẽ chú trọng đổi mới phương thức hoạt động và đẩy mạnh nâng cao chất lượng các phong trào nông dân; Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên phát triển về kinh tế và nâng cao vị thế của người nông dân trong tình hình mới.