Thường Tín đoạt hai giải nhất cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ 2022
“OCOP Thường Tín” nắm bắt cơ hội, lan tỏa thương hiệu |
Với chủ đề "Hội tụ tinh hoa nghề truyền thống Thủ đô", cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2022 được tổ chức từ tháng 4 - 10/2022 đã nhận được tổng số 376/sản phẩm/bộ sản phẩm thuộc 6 nhóm ngành thủ công mỹ nghệ của 180 tổ chức, cá nhân, nghệ nhân tham gia dự thi.
Tác phẩm “Cành sen như ý” đoạt giải nhất nhóm sản phẩm khảm trai, sừng, gỗ mỹ nghệ |
Trên cơ sở tiêu chí chấm điểm như: Tính sáng tạo, tính thương mại, tính thân thiện với môi trường, tính thẩm mỹ, tính văn hóa truyền thống, cơ cấu giải thưởng, Sở Công thương Hà Nội đã thành lập Hội đồng Giám khảo chấm điểm theo hình thức phiếu kín, xét chọn, thống nhất kết quả. Sở đã trình UBND thành phố công nhận 90 sản phẩm đoạt giải cuộc thi với 6 giải Nhất, 18 giải Nhì, 24 giải Ba, 42 giải Khuyến khích cho 6 nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Đáng chú ý, huyện Thường Tín (Hà Nội), nơi thường được xưng tụng là "đất trăm nghề" đã xuất sắc đoạt 2 giải nhất tại cuộc thi này. Hai tác phẩm là "Bình phong liên hoa sen" của tác giả Nguyễn Văn Tuấn (làng nghề Hạ Thái) và tác phẩm “Cành sen như ý” của tác giả Lê Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Đông Nam Á - Phó Chủ tịch Làng nghề lược sừng Thụy Ứng.
Các nghệ nhân tham dự cuộc thi năm 2022 đánh giá cao sự bùng nổ của số lượng các sản phẩm tham gia dự thi và chất lượng các sản phẩm. Việc này góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa và con người Hà Nội; Sản phẩm văn hóa truyền thống của các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Đồng thời, cuộc thi khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội tiếp cận và thực hiện sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, theo xu thế sản xuất sạch hơn, hướng tới một nền sản xuất an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về phát triển bền vững.
Đây cũng là tiền đề để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thành phố tái cơ cấu ngành hàng, sản phẩm, thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.