Khoảng 1/3 tổng dân số trên toàn cầu đang hít thở bầu không khí ô nhiễm
Theo nghiên cứu của The Lancet, ô nhiễm không khí tại các thành phố trên thế giới là nguyên nhân gây ra hơn 1,8 triệu ca tử vong vào năm 2019 và là tác nhân gây ra gần hai triệu trường hợp mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em.
Ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc và hít phải các hạt mịn trong không khí. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Theo WHO ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ cao hơn rất nhiều. Ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí là mối đe dọa đối với sức khỏe con người (Ảnh: Ảnh: Damián Bakarcic) |
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tại hơn 13 nghìn thành phố trên thế giới trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2019. Họ phát hiện ra 86% dân số thành thị trên thế giới, chiếm 1/3 tổng dân số trên toàn cầu sống trong khu vực ô nhiễm vượt quá mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo đó, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở tất cả các khu vực thành thị trên toàn thế giới là 35 microgam trên mét khối vào năm 2019, gấp 7 lần so với mức khuyến cáo của WHO.
Veronica Sutherland, nhà nghiên cứu đến từ Đại học George Washington (Mỹ) và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Phần lớn dân số thành thị trên thế giới vẫn sống trong những khu vực có mức PM2.5 không tốt cho sức khỏe. Để tránh gánh nặng lớn cho sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm không khí đòi hỏi các chiến lược không chỉ giảm lượng khí thải mà còn phải cải thiện sức khỏe cộng đồng một cách tổng thể”.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho biết do ô nhiễm không khí mà mỗi năm gần 2 triệu trường hợp trẻ em bị mắc bệnh hen suyễn. Phần lớn tác nhân gây ra bệnh ở những đứa trẻ này do hít phải khí NO2 từ ô tô, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp thải ra. Sự ô nhiễm này tồn tại rất phổ biến ở nhiều ở các thành phố và khu vực đô thị, những nơi tập trung 2/3 số ca viêm phổi ở trẻ em mà NO2 được coi là nguyên nhân.
Một công trình kiểm tra chéo của The Lancet cũng đã cho kết quả 1,85 triệu trẻ em bị hen suyễn vì NO2 vào năm 2019. Con số này tương đương với 8,5% trường hợp được quan sát ở trẻ nhỏ trong cùng năm này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mức trung bình. Tỷ lệ này cao gần gấp đôi ở khu vực thành thị, nơi số lượng trẻ bị ảnh hưởng đến sức khỏe vì ô nhiễm không khí đang tăng lên đáng kể.