Khoảng 5,4% doanh nghiệp có báo cáo về tình hình tai nạn lao động
Đó là thông tin được cung cấp tại chương trình đối thoại định kỳ năm 2018 do Hội đồng Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động tổ chức ngày 11.4.
Chất lượng báo cáo về ATLĐ không đầy đủ
Theo báo cáo tình hình tai nạn lao động năm 2017 của Bộ LĐTBXH, số vụ tai nạn đang có xu hướng tăng cả nước đã xảy ra 8.956 vụ TNLĐ làm 9.173 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động). Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 898 vụ, số người chết là 928 người và 1.915 người bị thương nặng.
Số vụ TNLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động cả nước đã xảy ra 1.207 vụ làm 1.266 người bị nạn và số vụ tai nạn này xảy ra chủ yếu ở những nơi có nhiều khu xây dựng, luyện kim, khai thác khoáng sản,…như các tỉnh Phú Yên, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng số vụ TNLĐ tăng cao xuất phát từ việc người sử dụng lao động như không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; người sử dụng lao động không huấn luyện ATLĐ hoặc huấn luyện ATLĐ chưa đầy đủ cho NLĐ; thiết bị không đảm bảo. Bên cạnh đó, NLĐ bị nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động hoặc không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân… cũng là những nguyên nhân chủ quan từ phía người lao động gây nên những TNLĐ đáng tiếc.
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Các con số báo cáo về TNLĐ có độ vênh giữa báo cáo của Bộ Y tế và Bộ LĐTBXH. Qua đây, có thể thấy chất lượng báo cáo của các doanh nghiệp về ATLĐ không đầy đủ. Điều này thể hiện qua tỷ trọng số lượng báo cáo ít và nhiều khi cũng che giấu tai nạn lao động nặng, nhất là ở khu vực phi kết cấu. Ở đây, có trường hợp che giấu, hoặc thỏa thuận bằng tiền bạc với gia đình khi xảy ra TNLĐ chết người”.
Về con số thông kê ở khía cạnh TNLĐ khu vực không có hợp đồng lao động, ông Chính cũng khẳng định: “báo cáo năm vừa rồi có được số lượng của khu vực phi kết cấu nhưng trong thực tế con số này còn nhiều hơn. Ở đây, công tác thống kê báo cáo hiện còn kém, tỷ trọng số người bị tai nạn lao động thống kê không được đầy đủ”.
“Chống đối” bằng cách “mua” giấy chứng nhận ATLĐ
Đánh giá về công tác báo cáo TNLĐ hiện nay, ông Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh Lao động Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp tham gia báo cáo về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp rất kém, chưa năm nào quá 6% doanh nghiệp báo cáo lên. Trong năm 2017, có 18.885/350.804 doanh nghiệp báo cáo; ước khoảng 5,4% doanh nghiệp báo cáo về tình hình TNLĐ. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức còn “chống đối” bằng cách “mua” giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện về an toàn lao động và vệ sinh lao động.
Ông Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh Lao động Việt Nam
Trả lời về hiện tượng này, ông Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh Lao động Việt Nam khẳng định: “hoàn toàn có việc doanh nghiệp, tổ chức đi mua giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện về ANLĐ, VSLĐ. Trách nhiệm xảy ra tình trạng trên thuộc về Sở LĐTBXH địa phương không kiểm tra đầy đủ, kể cả hậu kiểm”.
Nói về trách nhiệm đảm bảo ATLĐ của chủ sử dụng lao động, ông Lê Vân Trình cho biết: “Tôi đi giảng nhiều lớp về huấn luyện ATLĐ cho các Giám đốc, nhưng chỉ có chưa quá 1/3 số lượng Giám đốc đến dự, còn toàn ủy nhiệm cho trưởng phòng kỹ thuật đi học”. Sắp tới, Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) sẽ đánh giá các trung tâm đào tạo và cho điểm. Nếu trung tâm nào dưới điểm trung bình hoặc có đơn kiện thì dừng hoạt động. Hiện nay, quá trình sát hạch tập trung phát hiện rất nhiều trung tâm có giảng viên rất yếu, kiến thức chuyên môn không nắm được.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Tổng cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho rằng, “rất nhiều các doanh nghiệp đang lợi dụng yêu cầu các đơn vị huấn luyện cung cấp dịch vụ kém chất lượng để giảm giờ học và trả ít tiền. Do đó, tôi đề nghị các đơn vị huấn luyện không ký hợp đồng huấn luyện với những doanh nghiệp như vậy. Với các đơn vị nào vẫn đặt bút ký với những doanh nghiệp như vậy thì sẽ rút giấy phép. Theo Điều 12 Luật An toàn vệ sinh lao động đã nghiêm cấm việc các đơn vị huấn luyện gian dối trong công tác huấn luyện, nếu nghiêm trọng đề nghị cơ quan pháp luật khởi tố, truy tố những hành vi đó”.