Khu công nghiệp kết hợp khu đô thị: Xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế bền vững
KCN kết hợp KĐT là xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế
Bài liên quan
Trần Anh Group đồng hành cùng Caravan thiện nguyện 2030: Mang niềm vui cho học sinh nghèo hiếu học
Phân khúc nào tạo nên sức bật cho bất động sản vùng ven?
Trần Anh Group: Giải quyết nhu cầu an cư cho người thu nhập thấp
Bất động sản Long An: Hoàn thiện liên kết vùng
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát triển thành công mô hình KCN kết hợp KĐT như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc,…
Tại Việt Nam, xu hướng KCN kết hợp KĐT cũng được chú trọng phát triển một vài năm trở lại đây. Một số chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng đầu tư đồng bộ KĐT, dịch vụ liền kề KCN, tạo thành tổng thể một KCN, đô thị, dịch vụ, như: KCN đô thị dịch vụ VSIP tại Bình Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Nam Định…
Việc phát triển KCN kết hợp đô thị sẽ góp phần giải quyết được vấn đề về nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa đảm bảo cuộc sống của người lao động trong KCN và sau này tiến tới xây dựng môi trường làm việc, sinh sống đẳng cấp với các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại, gắn với các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó.
Tại "Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019" được tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, phát triển bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục rộng mở. Đặc biệt khi Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý KCN và khu kinh tế ra đời, đã cụ thể hóa và bổ sung thêm nhiều điều kiện cho việc phát triển bất động sản công nghiệp.
Sự thay đổi quan trọng của Nghị định số 82 trên là việc đa dạng hoá các loại hình KCN thành khu đa chức năng. Điều này xuất phát từ thực tế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng thương mại điện tử đang tạo nên nhu cầu phát triển, nhu cầu hạ tầng và công nghệ hiện đại, kết nối xuyên suốt và đồng bộ. Do đó, yêu cầu này đòi hỏi việc phải tạo nên một khái niệm mới cho hệ thống bất động sản công nghiệp với tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn.
Ông Cung cũng lưu ý, nếu một ngày, nền sản xuất tại các KCN biến mất thì khu vực đó sẽ là thành phố hay quay trở lại là nông thôn? Chỉ có công nghiệp hóa mới là chìa khóa để nâng tầm quốc gia. Và khi đó, các KCN không chỉ đơn thuần là nơi lao động sản xuất mà còn là nơi phát triển dịch vụ và nhiều ngành nghề khác phát triển.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế, bất động sản cũng cho rằng, mô hình KCN - đô thị - dịch vụ đã giúp hình thành đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong các KCN, nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn kết giữa phát triển kinh tế với quá trình đô thị hóa tại các địa phương.
Đặc biệt, việc kết hợp này sẽ giải quyết vấn đề nhà ở, công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác, đảm bảo cuộc sống của công nhân trong KCN và người dân địa phương, đây là điều kiện tiên quyết để phát triển KCN theo hướng bền vững.
Theo các nhà phát triển bất động sản công nghiệp thì số lượng người lao động, cán bộ quản lý, chuyên gia tập trung với số lượng lớn cũng làm xuất hiện các yêu cầu mới đối với việc đảm bảo các hạ tầng xã hội và dịch vụ phục vụ cho cuộc sống công nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó, cần định hướng ngành nghề rõ ràng, đặc thù hơn tại các KCN hỗ trợ, KCN - đô thị - dịch vụ, KCN sinh thái để thu hút các doanh nghiệp liên kết.
Ngoài ra, cần liên kết nội khu của KCN chặt chẽ hơn bằng việc quy hoạch, thiết kế, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất gắn liền với hạ tầng xã hội. Và cuối cùng, quy hoạch và thiết kế các KCN an toàn hơn, sạch - xanh - đẹp hơn và nhân văn hơn.
Rõ ràng, sự gắn kết giữa KCN và KĐT hướng tới những ngành nghề xanh tạo nên mô hình mới, đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng và tạo nên giá trị gia tăng lớn cho xã hội. Những nhà hoạch định chính sách nên tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể kết hợp song hành KCN – KĐT để gia tăng thêm nhiều giá trị cho cộng đồng.