Kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy chuyển đổi số trong thanh niên
Singapore
Hành trình số hóa tại Singapore đã được khởi động từ 30 năm trước, khi đảo quốc sư tử bắt đầu tạo lập các kho dữ liệu trên máy tính.
Các giai đoạn tiếp theo, Chính phủ Singapore triển khai nhiều dịch vụ online và tích hợp dữ liệu số. Đặc biệt từ năm 2017, Singapore đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số và coi đây là một chương trình quan trọng mang tầm quốc gia.
Singapore đặc biệt quan tâm tới vai trò của thanh niên, người trẻ tuổi trong quá trình chuyển đổi số |
Nhóm công tác quốc gia thông minh và chuyển đổi số đã được thành lập, quy tụ những chuyên gia nòng cốt của các bộ ngành tham gia, triển khai đồng bộ nhiều bộ phận, lĩnh vực dưới sự giám sát của Hội đồng các Bộ trưởng.
Trong quá trình này, Singapore đặc biệt quan tâm tới vai trò của thanh niên, người trẻ tuổi. Để đảm bảo nguồn cung nhân lực tiềm năng, Chính phủ Singapore thực hiện song song nhiều nhiệm vụ như: Tạo các chương trình cho giới trẻ tìm hiểu công nghệ từ sớm; Xây dựng các chiến lược ươm mầm tài năng; Phát triển cộng đồng nghiên cứu trong học sinh, sinh viên; Trao học bổng kỹ thuật số…
Trung Quốc
Bà Pan Meng, giảng viên của Đại học Nghiên cứu chính trị thanh niên Trung Quốc, đã chia sẻ kinh nghiệm về chính sách thanh niên tài năng của quốc gia tỷ dân này.
Năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị Trung ương về công tác nhân tài. Hội nghị xác định rõ đào tạo nhân tài của Trung Quốc phải bắt kịp với đỉnh cao khoa học và công nghệ của thế giới; Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế chính trị, phù hợp với những nhu cầu lớn của đất nước. Người trẻ tài năng cần có những chính sách cụ thể giúp tháo gỡ những thách thức, khó khăn.
Năm 2022, 17 cơ quan tham gia cuộc họp đã cùng đưa ra quan điểm về thực hiện dự án thí điểm “Xây dựng thành phố phát triển thanh niên”. Mục tiêu là xây dựng thành phố thân thiện hơn với người trẻ và giúp họ thành công hơn.
“Sáng kiến này sẽ giúp tối ưu hóa môi trường quy hoạch phục vụ ưu tiên phát triển thanh niên; Cải thiện môi trường việc làm và hỗ trợ nhu cầu sống của thanh niên như nhà ở và nuôi dạy con cái”, bà Pan Meng chia sẻ.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đã hoàn thiện các chính sách về thanh niên tài năng trong lĩnh vực mới nổi, ví dụ như kinh tế số. 97 nghề nghiệp liên quan đến kỹ thuật số đã được đưa vào sách tổng quan phân loại việc làm của nước này, giúp cải thiện đáng kể sự công nhận của xã hội đối với vai trò của người trẻ tài năng trong nền kinh tế số.
Bên cạnh đó, Trung Quốc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đến thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Khuyến khích thành lập doanh nghiệp, tạo mở nhiều cơ hội việc làm... tạo nên những thành công đáng ghi nhận trong nỗ lực đổi mới sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số trong thanh niên.
Hàn Quốc
Hàn Quốc đã có sự phát triển thần kỳ. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và lạc hậu do bị chiến tranh tàn phá, Hàn Quốc hiện đứng thứ 21 trong tổng số 205 nước trên thế giới với tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 30.000 USD, đứng thứ 30 toàn cầu.
Hàn Quốc luôn xác định khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển nhanh, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế đất nước và đặc biệt là quá trình chuyển đổi số. Do đó, xứ sở kim chi đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển khoa học công nghệ.
AI sẽ được đưa vào giảng dạy tại các trường học ở Hàn Quốc (Ảnh: WSJ) |
Ông Park Yun Kyu, Thứ trưởng phụ trách bộ phận xây dựng chính sách công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc cho rằng nước này có nhiều lợi thế trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, ông nhấn mạnh tới cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt nhất thế giới, sự đón nhận chuyển đổi của dân chúng và nguồn nhân lực trẻ xuất sắc.
Đầu tháng 1 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư 262,6 tỷ won (242 triệu USD) nhằm tăng cường đào tạo về AI và phần mềm. Đây là một phần trong “Thỏa thuận mới về kỹ thuật số”, trong đó có việc xây dựng "đập dữ liệu (thu thập dữ liệu từ các nguồn công, tư rồi chuẩn hóa dữ liệu để có thể phân tích được chúng) và đưa các sáng kiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên cơ sở mạng 5G vào tất cả các lĩnh vực.
Theo kế hoạch trên, khoảng 16.000 chuyên gia trong lĩnh vực AI và phần mềm sẽ được đào tạo nhằm có được 100.000 lao động kỹ thuật cao trong các ngành vào năm 2025. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc còn có kế hoạch đưa thêm 2 chương trình đào tạo chuyên về AI sau đại học trong năm nay…
Vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số TTTĐ - “Vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số” là chủ đề Diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế lần 7 năm ... |
Tạo điều kiện chuyển đổi số đồng bộ để Hà Nội phát triển bứt phá TTTĐ - Nhiều chuyên gia nhận định, Điều 25, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ kế thừa các quy định của Điều ... |
Hà Nội - Australia: Chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác về chuyển đổi số TTTĐ - Ngày 2/10, Tổ công tác thúc đẩy chuyển đổi số giúp việc Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số thành ... |