Kinh tế khó khăn, người lao động ưu tiên ăn Tết tiết kiệm
Người lao động "liệu cơm gắp mắm"
Với tâm lý Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm, dịp tụ họp gia đình, mỗi năm chỉ có duy nhất một lần nên người tiêu dùng thường chi tiêu thả ga để mua sắm, bày biện đầy đủ trong nhà, đặc biệt là dành nhiều khoản chi để mua quà biếu họ hàng hai bên.
Tết cũng là dịp thể hiện sự dư dả kinh tế trong một năm của gia chủ với khách, dòng họ, bạn bè… Vì vậy, “vung tay quá trán” ngày Tết trở thành thói quen của nhiều người Việt.
Tuy nhiên, trải qua một năm khó khăn về kinh tế, đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn (2024) tới đây, nhiều người lao động lựa chọn một cái tết tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn.
![]() |
Gian hàng 0 đồng phục vụ công nhân lao động tại Chương trình Chợ Tết Công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Ảnh: Bảo Hân |
Chị Nguyễn Thị Hà (công nhân may tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) chia sẻ: "Mọi năm đến dịp giáp Tết Nguyên đán, vợ chồng mình cũng có một khoản thưởng Tết kha khá để mua sắm những vật dụng trang trí nhà cửa, thực phẩm, bánh kẹo, quà cáp biếu Tết hai bên nội ngoại.
Năm nay, khoản thưởng Tết rất ít ỏi nên gia đinh cũng hạn chế mua sắm, chọn Tết tiết kiệm và chỉ mua những thứ cần thiết như bánh chưng, xôi, gà, cành đào nhỏ, cây quất nhỏ. Không mua sắm quá nhiều, vì đằng nào mấy ngày Tết cả gia đình sẽ về quê".
Không chỉ hạn chế mua sắm, những khoản chi về quê đón Tết hay biếu nội ngoại cũng khiến nhiều gia đình phải lên phương án, tính toán cẩn thận. Mỗi dịp Tết đến, giá vé các loại phương tiện đều tăng cao, nhiều người lại tất tả tìm mọi cách di chuyển tiết kiệm chi phí nhất để về quê đoàn viên cùng gia đình.
Anh Đỗ Duy Thắng (quê Nam Định) chia sẻ: "Năm nay do giá vé tàu xe khá đắt nên tôi lựa chọn về quê bằng xe máy. Tôi dự định sẽ cố gắng chạy thêm những chuyến xe giao hàng trong những ngày cận Tết Giáp Thìn để kiếm thêm chút thu nhập nên có thể sát Giao thừa mới có thể về quê đón Tết. Những ngày này, đơn hàng cần giao rất nhiều, tôi thường phải chạy từ sáng đến đêm để có thu nhập cao hơn ngày thường".
Để có thể mua sắm tiết kiệm các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, chị Lê Thị Nhung (công nhân Công ty TNHH Matsuo Industries ) cho biết: "Tôi lựa chọn mua sắm bằng thẻ ưu đãi tại các gian hàng của Chợ Tết Công đoàn. Năm nay tôi có thể tranh thủ bất cứ lúc nào rảnh rỗi để lựa chọn rất nhiều mặt hàng qua điện thoại của mình trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Trong khi đó, tại các chợ dịp sát Tết, nhiều mặt hàng sẽ lên giá, chi phí mua sắm cũng "đội" lên chút ít thì mua sắm tại chợ Tết Công đoàn trên các sàn giao dịch thương mại điện tử có mức giá hấp dẫn rẻ hơn ngoài chợ. Tôi mua được ít bánh kẹo và hai bộ quần áo mới cho con với mức giá tốt nên rất vui và phấn khởi".
Để đoàn viên, người lao động ai cũng có Tết
Trong không khí rộn ràng ngày cuối năm, nhiều địa phương trên cả nước đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương thực hiện chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế, công nhân lao động… nhằm góp phần sẻ chia yêu thương đến với từng người, từng nhà mừng xuân, đón Tết.
Các chương trình ý nghĩa của tổ chức Công đoàn các cấp không chỉ thể hiện trách nhiệm trong bảo vệ, chăm lo cho người lao động mà còn cho thấy tính nhân văn sâu sắc, không để ai bị bỏ lại phía sau.
![]() |
Đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng quà, chúc Tết cho công nhân lao động và hộ dân có hoàn cảnh khó khăn |
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung vào 10 hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Những hoạt động nổi bật như: tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ” ở các cấp công đoàn, tập trung tại cấp cơ sở; tổ chức hoạt động phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” theo hình thức trực tiếp và qua sàn giao dịch thương mại điện tử; tổ chức Chương trình “Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024” để bố trí phương tiện đưa, đón miễn phí hoặc hỗ trợ vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để đưa đoàn viên, người lao động về quê đón Tết và quay trở lại nơi làm việc...
Cùng với đó, chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” tiếp tục được đông đảo đoàn viên, người lao động mong chờ, ủng hộ, trở thành hoạt động nổi bật của các cấp công đoàn trong năm thứ 2 triển khai.
Với hình thức trực tiếp và trực tuyến, “Chợ Tết Công đoàn” năm 2024 đã thực sự thể hiện sự đổi mới, đa dạng và linh hoạt trong hoạt động cũng như công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động với 25 chương trình được tổ chức ở các cấp, thu hút khoảng 390.000 lượt đoàn viên, người lao động tham gia với kinh phí ước tính trên 120 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ đoàn viên, người lao động tiếp tục được các cấp công đoàn triển khai đến mọi đoàn viên, người lao động, ưu tiên hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Trong dịp Tết 2024 đã có gần 7,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ từ các cấp công đoàn với tổng số tiền hơn 4.006 tỷ đồng.
Chương trình "Mang Tết sum vầy- Xuân gắn kết đến người lao động" của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Giải pháp hữu hiệu để phát triển thị trường lao động

Đà Nẵng: Trao 34 “mái ấm công đoàn” cho người lao động

Phát huy trí tuệ, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ công nhân, người lao động

Phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các phiên giao dịch việc làm

Hà Nội chú trọng đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cơ hội cho doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực chất lượng cao

Đa dạng vị trí việc làm với mức thu nhập hấp dẫn “chờ” người lao động

Khánh thành nhà máy sản xuất phụ kiện và phụ tùng ô tô
