Ký kết các biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh Nam Bộ
Báo cáo tại hội thảo, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: "Hà Nội đã quyết định công nhận 630 sản phẩm OCOP, trong đó có có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 421 sản phẩm 4 sao; 195 sản phẩm 3 sao.
Hiện nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện và Tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố đang đẩy nhanh tiến độ đánh giá phân hạng khoảng trên 370 sản phẩm hoàn thành trong tháng 12/2020. Phấn đấu đến hết năm 2020, thành phố Hà Nội có trên 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng".
Trong năm 2020, thành phố Hà Nội đã tổ chức 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng; miền Trung và Tây Nguyên; đồng bằng Nam Bộ) được tổ chức tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (Hà Nội).
Thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền, bước đầu được người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP và đánh giá cao về chất lượng, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Thủ đô.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP |
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, sự kiện nhằm mục đích kết nối các sản phẩm OCOP vào hệ thống bán lẻ, siêu thị, kênh phân phối của Hà Nội và các tỉnh Nam Bộ. Từ đó, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh ngành Nông nghiệp cùng các ngành, các cấp phải đồng thời nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ kép vào những tháng cuối năm 2020. Đó là vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phải kịp thời khôi phục hoạt động sản xuất khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm...
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mở ra cơ hội vàng cho các chủ thể từ làng nghề đến các cơ sở sản xuất nông nghiệp phát huy, khai thác được hết tiềm năng, tinh hoa của các địa phương.
Hội thảo “Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh Nam Bộ” nằm trong chuỗi sự kiện “Giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng, miền gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ; Đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19” nhằm mục đích kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm tại các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh Nam Bộ |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, năm 2020, với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn Đảng bộ, Thành ủy, HĐND, UBND đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đạt được nhiều kết quả quan trọng: GRDP tăng 3,98% so với năm trước; Thu ngân sách ước đạt 100,2% dự toán.
Xây dựng Nông thôn mới tiếp tục triển khai tích cực, dự kiến có thêm 7 huyện và 14 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, nâng số huyện đạt nông thôn mới là 13/18, tỷ lệ 72,2%, xã Nông thôn mới là 367/382, đạt tỷ lệ 96%.
Đối với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội có trên 1.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và sự vào cuộc đồng bộ của Nhân dân, đến nay Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 630 sản phẩm OCOP; Giải quyết được trên 3.000 lao động khu vực nông thôn.
Từ nay đến hết năm 2020, Hà Nội sẽ tiếp tục đánh giá, phân hạng trên 370 sản phẩm OCOP. Phấn đấu đến hết năm 2020, thành phố Hà Nội có trên 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
Việc tổ chức sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng để Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang thực hiện nhiệm vụ kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19 nhằm "Đưa hàng nông thôn lên thành thị" theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, thành phố tạo điều kiện các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội và cả nước được quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến giao thương, để Nhân dân Thủ đô và du khách quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Trong năm 2020, Thành phố tổ chức thành công 3 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, và đặc biệt là sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung và Tây nguyên.
Qua việc tổ chức 3 sự kiện trên, Ban Tổ chức đã kết nối được các các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn của cả nước ký kết được 473 biên bản hợp tác về tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh và các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia tại sự kiện.
Trong khuôn khổ sự kiện lần thứ tư này, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Song song với việc tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ, Ban Tổ chức lồng ghép nội dung đẩy mạnh tuyên truyền Thông điệp 5K phòng chống dịch Covid-19 để nhân dân và du khách chung tay phòng chống dịch hiệu quả.
"Chuẩn bị bước sang năm 2021, Thành phố Hà Nội rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói chung và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm nói riêng", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết và trao biên bản giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối.
Tại hội thảo, hàng chục chủ thể OCOP và các nhà phân phối thuộc Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã có thời gian trao đổi, gặp gỡ, bàn bạc để tìm hiểu, nghiên cứu sản phẩm và thị trường phù hợp.
Nhiều biên bản ghi nhớ đã được các chủ thể và đại diện đơn vị phân phối, hệ thống bán lẻ ký kết ngay tại sự kiện. Đây là tiền đề để tạo ra những kênh liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP trong năm tới.