Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Buồn vui điểm số
Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc, học sinh lớp 12A1 trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Bên phải)
Có thể nói, sau khi biết điểm kỳ thi THPT quốc gia 2019, vui nhất là các em thí sinh và buồn nhất cũng chính là họ. Vẫn biết rằng, thi cử muôn đời là chuyện thanh lọc và tuyển lựa nhưng đỗ hoặc trượt thực sự mang đến nhiều cảm xúc, suy nghĩ cho các sỹ tử và gia đình.
Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc, học sinh lớp 12A1 trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2019 em được 28,10 điểm theo khối A, điểm theo tổ hợp xét tuyển khối A1 của Ngọc cũng đạt 26,35 điểm. Dù ngay sau khi làm bài thi xong, Ngọc đã tính toán điểm tương đối sát nhưng em vẫn hết sức vui mừng. “Em biết mình sẽ đỗ vào trường đại học yêu thích nhưng em không nghĩ là điểm cao như thế. Em rất vui và có chút tự hào” – Ngọc nói.
Bạn Lê Minh Hoàng, học sinh lớp 12A4 trường THPT Nguyễn Gia Thiều đạt mức điểm 27,15 cho khối A và 27,80 cho khối A1 chia sẻ: “Em thật sự vui mừng vì mình đã đạt điểm tương đối trong kỳ thi vừa qua. Các môn thi của em hầu hết đều đạt từ 9 điểm trở lên, riêng môn Hóa chỉ được 8,75 điểm. Trước kỳ thi em mong ước được học ngành Công nghệ Thông tin của trường ĐH Bách Khoa. Ngành này năm 2018 lấy 25 điểm, với số điểm hiện tại, em nghĩ là mình đủ điểm để vào”
Hoàng cho biết thêm, hiện em và gia đình đang về quê để thông báo kết quả thi cho ông bà. Cả nhà đang rất vui vẻ, hạnh phúc và hài lòng với kết quả em đạt được.
Bên cạnh những niềm vui là những nối buồn, nhiều bạn chỉ vừa đủ điểm đỗ tốt nghiệp.
Nguyễn Trung Thành, học sinh lớp 12 trường THPT Phúc Lợi (Long Biên) được 15 điểm, số điểm này không đủ để Thành xét tuyển vào trường đại học yêu thích. “Em rất buồn vì điểm số thấp. Lúc thi xong em tính toán điểm của mình chỉ được ở mức khá, không nghĩ lại quá thấp như thế này. Chắc em sẽ tìm trường nào xét tuyển học bạ để đăng ký”, Thành buồn rầu.
Đạt 18 điểm nhưng Hoàng Anh Tuấn, học sinh lớp 12 trường THPT Lý Thường Kiệt, Long Biên (Hà Nội) mặt vẫn buồn thiu. ‘Em mong muốn điểm số của em cao hơn thế này. Khoa mà em đăng ký nguyện vọng của Học Viện Nông nghiệp năm ngoái lấy 17 điểm, năm nay em thấy nhiều bạn đăng ký vào đó, em lo rằng điểm của em sẽ không vào được”, Tuấn cho hay.
Có thể nói, trượt hay đỗ kỳ thi nào cũng có tuy nhiên nhiều thí sinh kỳ vọng lớn mà bị trượt thì dễ bị buồn chán, thường tự dằn vặt, trách móc bản thân, thậm chí còn có cảm giác “cánh cửa cuộc đời đóng trước mặt”.
Bên các em lúc này trước hết phải là cha mẹ và gia đình. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc đầu tiên bố mẹ cần làm là không nên thể hiện cảm xúc buồn hay thất vọng về kết quả thi của con, càng không nên mắng mỏ, so sánh, chỉ trích, chì chiết các con. Những phân tích, mổ xẻ nguyên nhân thất bại lúc này hoàn toàn dễ nhạy cảm. Bố mẹ nên lắng nghe “tiếng lòng” và quan sát những cử chỉ, thái độ của con để kịp thời có những phản ứng phù hợp.
Sự thành đạt của mỗi con người tỷ lệ thuận với việc chịu khó tích lũy và học hỏi. Bổn phận của những người làm cha, mẹ chính là việc tạo ra cảm hứng để con mình luôn khát khao học hỏi và trau dồi kiến thức. Nó hoàn toàn không nằm ở việc, mẹ cha dùng lời nói hay hành động để mai mỉa, chê trách, giận dữ con mình…