Làm gì trong lễ Vu Lan để báo hiếu cha mẹ?
Các Phật tử nhỏ tuổi tham gia lễ Vu Lan báo hiếu
Bài liên quan
Báo hiếu cha mẹ bằng việc làm thiết thực
Văn hóa tâm linh, mê tín dị đoan và những tác động hai chiều đến xã hội
Công tác chuẩn bị tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tại Việt Nam đã sẵn sàng
Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ |
Cũng theo kinh Vu-Lan-bồn, Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời.
Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu Lan (ngày rằm tháng bẩy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt.
Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.
Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ.
Các Phật tử nhỏ tuổi tham gia lễ Vu Lan báo hiếu |
Ngày lễ Vu Lan là một trong hai lễ lớn nhất của Phật giáo, nhằm báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nay không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn và đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa đáng được con người lưu tâm, thực hiện.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Đại lễ Vu Lan kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức, đó là tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.
Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.
Việc tỏ lòng thành kính biết ơn đấng sinh thành của mỗi người có nhiều cách khác nhau.
Vào ngày này, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng...
Vào dịp lễ Vu Lan, mỗi người thường được cài lên áo một bông hoa hồng: màu đỏ cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ.
Nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong dịp lễ Vu Lan |
Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì luôn nhắc nhở bản thân vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Còn người cài hoa trắng sẽ không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nề nếp gia phong anh em hòa thuận
Không chỉ ở Việt Nam mà ở một số quốc gia châu Á cũng có ngày lễ Vu Lan.
Ở Nhật Bản, lễ báo hiếu diễn ra vào tháng 8 dương lịch hằng năm. Đây là ngày để người dân Nhật Bản nhớ về những người thân đã qua đời.
Ở Trung Quốc, lễ Vu Lan được tổ chức từ ngày 15/7 đến 30/7 âm lịch. Vào ngày này, người dân Trung Quốc cũng đi thăm phần mộ của người thân, sửa sang, quét dọn lại, đốt giấy tiền, vàng mã cho người đã khuất.
Người Hàn Quốc cài hoa cẩm chướng lên ngực áo để nhớ các bậc sinh thành trong ngày lễ Vu Lan.
Ở Indonesia, người dân tổ chức ném tiền giả để tỏ lòng thành kính với tổ tiên vào ngày lễ Vu Lan hằng năm. Lễ vật họ dâng lên người đã mất gồm cả lá mù tạt và mía đỏ.
Lễ hội Vu lan dù được tổ chức ở đâu, dưới hình thức nào đi nữa thì ở đấy vẫn có một điểm chung, vẫn toát lên một tinh thần chung, đó là tinh thần hiếu đạo của người phật tử. Ngày hội Vu lan là ngày để chúng ta bày tỏ lòng hiếu thảo của mình, để thực hiện nghĩa cử tri ân báo ân đối với hai đấng sinh thành, đối với tổ tiên, ông bà, trải rộng lòng thương đến cả những vong linh cô hồn và cả những mảnh đời bất hạnh hiện đang còn sống.
Đây là một ngày lễ hội rất có ý nghĩa, cần phải được bảo tồn và phát triển, phải làm sao để nó trở thành một ngày lễ hội của quần chúng, vượt qua giới hạn của tôn giáo, tín ngưỡng, để cho tinh thần hiếu đạo được thấm nhuần trong lòng mọi người, để cho con người trở nên thuần từ và trung hiếu hơn.