Mì gói của Công ty Thiên Hương ở Việt Nam có chứa chất gây ung thư không?
Chiều tối 6/9, bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời báo chí về vấn đề an toàn thực phẩm liên quan đến một số sản phẩm mì gói của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương, Acecook bị thu hồi ở Châu Âu do có chứa chất ethylene oxide.
Theo đó, trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí liên quan tới việc sản phẩm xuất khẩu nhiễm ethylene oxide ở khâu nào và sản phẩm bán tại Việt Nam có nhiễm chất này hay không, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương cần có thêm thời gian cùng Bộ Y tế kiểm tra các sản phẩm của doanh nghiệp trong tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm thế nào, chất lượng sản phẩm sản xuất ở Việt Nam có đáp ứng được hay không.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, hiện tại do tình hình dịch bệnh và cần sự phối hợp với các bộ, ngành nên cần thời gian và khi có kết quả, Bộ Công thương sẽ thông tin cụ thể với báo chí.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp và Ban An toàn thực phẩm TP HCM, thì các nhà sản xuất đều tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam.
Ông Hải cũng cho biết, không phải tất cả sản phẩm khi xuất sang Liên minh Châu Âu (EU) bị thu hồi mà chỉ lô sản phẩm có trong thông báo của cơ quan chức năng Ireland và Na Uy là bị thu hồi. Mặt khác, các nước cũng chưa thống nhất trong quy định về chất ethylene oxide trong thực phẩm.
Sản phẩm mi khô vị bò gà của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương |
Trước đó, thông tin cảnh báo về việc EU thu hồi sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương (Địa chỉ số 1 Lê Đức Thọ, khu phố 02, Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM) sản xuất, do có chứa 0,052 mg/kg – ppm ethylene oxide (Vi phạm Chỉ thị của EU số 91/414/EEC), gây xôn xao dư luận.
Ngay khi xuất hiện thông tin, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương đều đã vào cuộc xác minh.
Trong đó, Bộ Công thương đã hỏa tốc đề nghị Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất sản phẩm.
Mặt khác, Bộ Công thương cũng đã đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương hiện đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam và phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng ethylene oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng hợp chất này trong thực phẩm.
Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng...
Vì vậy trong trường hợp này, mức giới hạn dư lượng ethylene oxide cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản sản xuất trước khi xuất khẩu.
Theo phân tích, ethylene oxide là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. Hợp chất này không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn Salmonella).
Ở điều kiện bình thường, ethylene oxide sẽ chuyển thành dạng khí tác dụng đến côn trùng, vi sinh vật qua cơ chế gây độc hô hấp nên được sử dụng với mục đích khử trùng trong sản xuất thực phẩm.
Tại Châu Âu, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp. Mặc dù EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm, nhưng vẫn phát hiện ra dư lượng ethylene oxide trong thực phẩm ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối.