Mong có nhiều chương trình phát triển tri thức cho phụ nữ vùng khó khăn
Đại biểu Lê Mỹ Quỳnh mong rằng, sau Đại hội, các cấp Hội phụ nữ sẽ tiếp tục quan tâm và có thêm nhiều hơn nữa các chương trình nhằm phát triển tri thức, nâng cao giáo dục cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa.
Em Lê Mỹ Quỳnh (SN 1998), chuyên gia nghiên cứu bảo mật, Thủ khoa đầu ra Học viện Kỹ thuật Mật mã năm 2021. Ảnh: H.Y |
Lê Mỹ Quỳnh (SN 1998), chuyên gia nghiên cứu bảo mật, Thủ khoa đầu ra Học viện Kỹ thuật Mật mã năm 2021, thuộc đoàn đại biểu Hội Nữ trí thức Việt Nam là đại biểu trẻ tuổi nhất tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Bên lề phiên trù bị Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Lê Mỹ Quỳnh chia sẻ, cô rất vui mừng, phấn khởi khi vinh hạnh được lựa chọn là một trong gần 1.000 đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần này.
"Là một đoàn viên trẻ, em thấy thật tự hào và em thấy mình cần phải cố gắng vươn lên nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, bởi là đại biểu có tuổi đời trẻ nhất tham dụ Đại hội đại biểu Phụ nữ lần này, em cũng có chút áp lực. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để em khám phá bản thân nhiều hơn"- Lê Mỹ Quỳnh chia sẻ.
Lê Mỹ Quỳnh - đại biểu trẻ tuổi nhất tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: NVCC |
Là nữ trí thức trẻ, cô cho rằng, trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, phụ nữ cần có tri thức song hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế để chăm lo cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì thế, khi tham gia Đại hội cô luôn mong muốn truyền cảm hứng nâng cao trình độ chuyên môn, tri thức cho chị em phụ nữ.
Quỳnh cho biết, cô kỳ vọng Đại hội lần này sẽ bầu ra Ban Chấp hành Hội là những nhận sự đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài để lãnh đạo và đưa Hội LHPN Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa; Tham mưu được nhiều cho Đảng, Chính phủ về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ nhiều hơn.
Quỳnh cũng mong rằng, sau Đại hội, các cấp Hội phụ nữ sẽ tiếp tục quan tâm và có thêm nhiều hơn nữa các chương trình nhằm phát triển tri thức, nâng cao giáo dục cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa.… Ngoài ra, Quỳnh cũng mong muốn, trong thời gian tới sẽ có nhiều phong trào, hoạt động thiết thực hơn nữa nhằm trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ để phụ nữ thể hiện năng lực của mình; từng bước thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giới trong cộng đồng xã hội.
Đến với Đại hội lần này, cá nhân Quỳnh cho biết, cô rất thích với việc tổ chức 5 trung tâm thảo luận song song. Đây là một cách làm rất hay và sáng tạo, việc này giúp Đại hội có nhiều thời gian thảo luận nhiều vấn đề, đưa ra nhiều giải pháp, hoạt động cách thức hiệu quả cho phương hướng hoạt động trong những năm sắp tới.
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, diễn ra từ ngày 9 đến 11/3/2022 tại Hà Nội. Đại hội có 1.000 đại biểu chính thức là những phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho các lực lượng phụ nữ, các dân tộc, tôn giáo và các lĩnh vực hoạt động khác nhau trong cả nước. Trong thành phần đại biểu có 35 đại biểu khối lực lượng vũ trang nhân dân (3,5%), 54 đại biểu là doanh nhân (5,4%), 83 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương (8,3%), 164 đại biểu đại diện cho 53 dân tộc thiểu số (16,4%), 41 đại biểu tiêu biểu các tôn giáo gồm Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài, Hòa Hảo, Tin lành, Blamôn (4,1%). |