MTTQ TP Hà Nội lấy ý kiến phản biện về mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
Bài liên quan
Kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cấp bách, đúng đối tượng
Hà Nội: Khoảng 414.000 người dân sẽ được hưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ trước 30/4
Hà Nội cơ bản hoàn thành chi trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng người nghèo, người có công
Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chủ trì hội nghị.
Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về việc quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 nêu rõ, đối tượng áp dụng là: người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp ra quyết định; người trực tiếp tham gia thực hiện việc khoanh vùng, phong tỏa cách ly ở từng mức độ theo cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh do Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 các cấp ra quyết định; cán bộ, người lao động thuộc bộ phận thu viện phí, phòng vật tư thiết bị y tế thực hiện vệ sinh trang thiết bị, máy móc, bơm tiêm điện; cán bộ phòng công nghệ thông tin trực chống dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đối tượng thụ hưởng còn bao gồm cán bộ, người lao động trực tiếp tham gia các hoạt động mai táng và hỏa táng đối với người chết do mắc Covid-19; người bảo vệ địa điểm cách ly tại các địa bàn dân cư theo chỉ thị của cơ quan quản lý nhà nước; lực lượng tham gia các chốt kiểm soát, giám sát việc cách ly xã hội tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô, các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, địa bàn, khu vực giáp ranh.
Theo đó, mức đề xuất cụ thể chế độ cho đối tượng đã được quy định tại Quyết định số 1137/QĐ-UBND ngày 20/3/2020 của UBND thành phố nhưng chưa được quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp ra quyết định sẽ được hỗ trợ tiền ăn mức tối đa 100.000 đồng/người/ngày; chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phòng, chống dịch là 150.000 đồng/người/ngày. Chế độ bồi dưỡng cho người tham gia phòng, chống dịch chưa được quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1137/QĐ-UBND ngày 20/3/2020 của UBND thành phố sẽ được hưởng mức hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày; chế độ hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia phòng, chống dịch là 80.000 đồng/người/ngày.
Dự kiến tổng kinh phí khoảng 59.600 triệu đồng, trong đó ngân sách thành phố là 39.704 triệu đồng, ngân sách quận, huyện, thị xã 19.896 triệu đồng và trong khả năng cân đối của ngân sách các cấp.
Các đại biểu cho ý kiến tại Hội nghị |
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều khẳng định, Nghị quyết là rất cần thiết, sẽ hỗ trợ tích cực cho người dân, người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và góp phần ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nghị quyết còn thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và đúng theo tinh thần chỉ đao của Chính phủ.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đánh giá, bản dự thảo Nghị quyết đã được nghiên cứu nghiêm túc, quy trình thực hiện hợp lý, có căn cứ pháp lý và tính toán khoa học, thực tiễn; Đồng thời cho rằng cần sớm ban hành Nghị quyết, đây là công việc có đủ cơ sở pháp lý và là yêu cầu thực tiễn.
Thể hiện sự tâm đắc với các chính sách hỗ trợ giáo viên, lực lượng trực tiếp phòng chống dịch, ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật của Ủy ban MTTQ TP nhấn mạnh, cần đảm bảo hỗ trợ đúng, đủ cho các đối tượng thực sự tham gia phòng, chống dịch. Theo ông Thảo, việc xác định rõ yếu tố đặc thù của Thủ đô chính là xác định đối tượng trực tiếp tham gia chống dịch. Trong các lực lượng trực tiếp chống dịch cần phân chia các mức chi cụ thể, đảm bảo không cao hơn mức chi của Chính phủ.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng cần nhấn mạnh các yếu tố đặc thù của Hà Nội để tăng mức hỗ trợ cho các nhóm đối tượng.
GS. TS Nguyễn Đình Hương, Ủy viên Thường vụ Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố băn khoăn, đối tượng được thụ hưởng có quá nhiều trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp. Cụ thể, trong giáo dục đào tạo hiện nay có đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên ngoài công lập. Khi trở lại giảng dạy, học sinh phải giãn cách mỗi lớp chia làm 2, giáo viên phải trả gấp đôi, cách tính hỗ trợ như thế nào chưa được làm rõ.
Bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội cho rằng, trong tờ trình cần bổ sung đối tượng người dân ở thôn Hạ Lôi vì sau một tháng cách ly, hoa màu chết hết, người dân bị thiệt hại về kinh tế. Ngoài ra, lực lượng báo chí ở các cơ quan truyền thông tác nghiệp trực tiếp cũng cần được khen thưởng và hỗ trợ kịp thời bởi đây là lực lượng tuyến đầu trong công tác tuyên truyền.
Các đại biểu cũng thống nhất cần làm rõ thêm khâu thực hiện để đảm bảo Nghị quyết được thực hiện công khai, công bằng, kịp thời; cơ quan chức năng cần rà soát thêm để bổ sung đối tượng được hỗ trợ cho những người thực hiện việc dạy học trên truyền hình; đồng thời, tăng cường vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trong quá trình thực hiện nghị quyết này…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao các ý kiến sâu sắc, xác đáng của các chuyên gia, nhà khoa học. Cơ bản các ý kiến đều thống nhất với việc ban hành nghị quyết, đề nghị điều chỉnh về câu chữ, phụ lục và một vài nội dung, đặc biệt yêu cầu bổ sung vai trò giám sát của mặt trận tổ quốc trong các khâu thực hiện nghị quyết.
Về các mức chi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP cho biết, Hà Nội xác định có mức chi cao hơn so với cả nước, mức chi này đảm bảo việc cân đối ngân sách của TP và không phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa; không trùng đối tượng chi cũng như mức chi.
Ghi nhận, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cho biết, tại kỳ họp tới đây của HĐND TP, MTTQ sẽ đề xuất bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng; đề xuất nghiên cứu tên mới cho Nghị quyết, đảm bảo Nghị quyết mang tính kế thừa và bổ sung.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền vận động để Nghị quyết đi vào cuộc sống.