Mùa đi xây những ước mơ...
Tuổi 18 và những ước mơ... Câu chuyện về “thuyền trưởng” dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ... Cô gái chắp cánh những ước mơ... |
Mùa tựu trường rộn rã
"Mùa thu ơi! Mùa thu / Mùa thơm trang sách mới / Tiếng trống ngày khai trường / Trong sáng như trời thu". Vậy là sau 3 tháng hè bổ ích và lý thú, thầy và trò cả nước đã chính thức trở lại trường, đón năm học mới với bao điều mới lạ đang chờ đợi phía trước.
Là Thủ đô ngàn năm văn hiến, coi trọng đạo học bởi học tập là điều tiên quyết để xây dựng lên trí tuệ và phẩm giá con người, do đó, các cấp lãnh đạo của thành phố luôn tập trung chăm lo cho giáo dục. Vào mỗi mùa tựu trường, lãnh đạo Hà Nội luôn trực tiếp đến dự lễ khai giảng, động viên tinh thần dạy và học của thầy và trò Thủ đô.
Điều này trở thành nếp văn hóa ứng xử rất trang trọng, thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Hà Nội.
Năm nay, ngành Giáo dục Thủ đô lại càng có nhiều niềm vui hơn khi Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức được Quốc hội khóa XV thông qua. Với các chính sách mới, cơ sở pháp lý mới, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao sẽ góp phần xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm lớn về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài chúc mừng học sinh trường THCS Giảng Võ trong ngày khai giảng |
Theo đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định việc đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường; đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh; bảo đảm bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi; không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí.
Luật cho phép các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài; HĐND thành phố quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học; UBND thành phố quy định bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo của người học.
Luật Thủ đô (sửa đổi) thể hiện tính đặc thù, phân cấp phân quyền cho Hà Nội, qua việc HĐND thành phố Hà Nội quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục công lập thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài.
HĐND thành phố quy định mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện việc hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn Thủ đô không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục; mức hỗ trợ học phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho người học thường trú tại Hà Nội.
Niềm hân hoan ngày tựu trường của học sinh Trường THPT Việt Đức, Hà Nội (Ảnh: Phạm Mạnh) |
UBND thành phố Hà Nội quy định các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao; việc đánh giá, kiểm định, bảo đảm duy trì chất lượng của cơ sở giáo dục chất lượng cao; việc điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục bổ trợ tại cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.
Các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được Luật Thủ đô đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về phát triển chất lượng nguồn nhân lực của Hà Nội. Bước vào năm học mới với nhiều thuận lợi như vậy, chắc chắn ngành Giáo dục Thủ đô sẽ phấn khởi, đạt được nhiều thành tựu mới trong sự nghiệp trồng người.
Xây dựng giá trị con người Hà Nội thời hiện đại
Trước đó, Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị ngày 24/5/2024 đã nhấn mạnh, xác định giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện. Trong đó, Thủ đô Hà Nội là phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng thành phố thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục và đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Chương trình 06-CTr/TU 2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025 xác định mục tiêu những mục tiêu rõ ràng, trong đó có yếu tố con người được đặt lên hàng đầu.
Mùa khai trường - mùa xây những ước mơ (Ảnh: Phạm Mạnh) |
Cụ thể, chương trình đặt ra nhiệm vụ phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chúng ta xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Chúng ta xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật; khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí khát vọng vươn lên của Nhân dân Thủ đô và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Như vậy, giáo dục đào tạo hay đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng nằm trong chiến lược phát triển văn hóa mà trong đó lấy con người làm trọng tâm của Hà Nội. Có như vậy, người Hà Nội thời hiện đại mới xác lập được những giá trị đặc trưng của mình như thanh lịch, văn minh, năng động, sáng tạo, tự tin, hội nhập và giữ vững được bản sắc độc đáo của mình.
Một mùa khai trường mở ra bao hi vọng, tin rằng, với những thuận lợi như vậy, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu mới, đóng góp vào công cuộc phát triển Hà Nội, phát triển con người của mảnh đất ngàn năm văn hiến.