Nâng cánh ước mơ từ “Con đường em đến trường”
Đường đến trường của học sinh xã Nậm Có huyện Mù Cang Chải (Yên Bái)
Bài liên quan
Hội thi “Vì một môi trường bình yên cho em”
Mời góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đoàn TNCS HCM toàn quốc lần thứ XI
Đại hội Đoàn thanh niên Công an huyện Thạch Thất lần thứ III (nhiệm kỳ 2017 – 2019)
Tăng cường hợp tác giữa Đoàn thanh niên ĐHQGHN và Tỉnh đoàn Bắc Kạn
Chắc hẳn ai cũng hình dung ra một khung cảnh mộng mơ với tiếng chim rừng ríu rít gọi bầy sáng sớm, những ánh nắng đan xen nhau cố vén màn mây để len lỏi trong những khu rừng bạt ngàn, đàn em tung tăng gọi nhau trong niềm vui, tiếng cười trên con đường đến trường. Thật đẹp biết bao! Thế nhưng, con đường đi tìm cái chữ, đến với trường học, thầy cô của các em nhỏ vùng cao Mù Cang Chải không hề bằng phẳng và thơ mộng như thế.
Con đường đến trường của các em là những con đường đất đầy đá sỏi, dốc lên xuống uốn quanh những quả đồi san sát. Mặt đường tưởng như bị thiên nhiên băm vằn những lằn rạch chằng chịt, sỏi đá nhấp nhô. Trời mưa, con đường còn khủng khiếp hơn với một lớp đất nhão, trơn trượt vô cùng nguy hiểm. Thế mà các em nhỏ đến trường trên con đường ấy chỉ bằng đôi dép nhựa cũ kỹ, hoặc đôi chân trần tím tái vì lạnh. Có những nơi, con đường đến trường của các em còn là lòng suối của miền núi với sự rình rập của lũ quét, sạt lở đất chẳng biết đến lúc nào. Con đường là dây thừng qua sông, là qua bè, mảng để đi tìm cái chữ. Đến trường quả thực là một cuộc hành trình với những đứa nhỏ. Những bé trai thường đi theo đường tắt, những con đường chúng phát hiện ra khi đi kiếm củi, bẫy chim trong rừng, còn những bé gái thì thường theo đường mòn đến trường. Dù là đi trên con đường nào đi nữa thì những đứa trẻ đều phải vượt qua vô vàn những khó khăn trên con đường đi tìm cái chữ.
Nói đến đây thôi, cũng đủ hiểu các em học sinh ở các xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đến được trường học là nỗ lực đến thế nào. Hình ảnh đứa trẻ với quần áo lấm lem, đôi chân bùn đất với khuân mặt ngây thơ, trên vai là chiếc cặp xách xộc xệch vì vừa đeo vừa phải leo dốc, xuống đèo; tay cầm cặp lồng cơm... có gì đó rất vùng cao, chẳng lẫn đi đâu được. Hình ảnh ấy cùng với hình ảnh con đường đến trường mà các em trải qua mỗi ngày để đến lớp luôn ám ảnh, thôi thúc những người làm công tác Đoàn như chúng tôi phải làm gì đó giúp các em có thể đến trường thuận lợi hơn, trên con đường sạch sẽ hơn, đỡ nguy hiểm hơn đặc biệt trong mùa mưa, lũ.
Trong tháng thanh niên vừa qua, công trình “Con đường em đến trường”dài 2km được bê tông hóa với chiều rộng 1,5m - 2m được huyện Đoàn Mù Cang Chải được hoàn thành từ bản Dề Thàng đi bản Chế Cu Nha xã Chế Cu Nha với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của lãnh đạo huyện, huyện đoàn, đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân huyện Mù Cang Chải. Trước đó, tháng thanh niên năm 2018 Đoàn đã hoàn thành công trình 1km tại bản Ít Thái, xã Cao Phạ với sự góp sức của trên 500 lượt đoàn viên thanh niên. Những công trình như thế này hoàn thành giúp cho bà con nhân dân và các em học sinh trong xã đi lại thuận tiện hơn, đặc biệt trong mùa mưa lũ.
Giờ đây, những đứa trẻ của bản Dề Thàng, bản Ít Thái sẽ được tung tăng khoác cặp tới trường trên con đường mới. Những đôi chân sẽ không phải lấm lem bùn đất, không phải đi trên con đường gập ghềnh đá sỏi, không phải bặm chặt những ngón chân trên những con đường đất trơn trượt khi mưa xuống...
Đoàn thanh niên huyện Mù Cang Chải làm đường cho các em học sinh tới trường |
Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Đức Thịnh, Bí thư huyện đoàn Mù Cang Chải cho biết: Mù Cang Chải là một huyện nghèo, địa hình thì chia cắt, dân cư thì thưa thớt, đặc biệt là tại các bản vùng cao, các em học sinh thường phải đi học xa, trên những con đường mòn với dốc cao, mặt đường xấu và đặc biệt nguy hiểm vào mùa mưa lũ. Điều ấy tác động không nhỏ đến việc các em phải nghỉ học khi trời mưa, ngại đi học khi phải đi trên con đường xa xôi đầy đá sỏi. Chính vì thế, trong những năm trở lại đây, Huyện đoàn cũng như đoàn viên thanh niên huyện rất nỗ lực vận động các nguồn lực của tỉnh, của huyện và nguồn lực xã hội hóa, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ để làm làm những công trình “Con đường em đến trường” như thế này. Nhìn những đứa trẻ đến trường trong tiếng cười vui, nô đùa, những người làm công tác Đoàn như chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng, chỉ muốn làm thêm nhiều công trình như thế này nữa cho các em”.
Công trình “Con đường em đến trường” được cụ thể hóa từ Phong trào “Nâng cánh ước mơ” – Phong trào được nâng tầm từ Cuộc vận động “Cùng em tôi đến trường” do Ban thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái phát động. Từ khi phát động đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã xung kích thực hiện nhiều công trình, phần việc hướng về trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em ở các bản, các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn điển hình là ở huyện Mù Cang Chải. Có thể kể đến: Công trình xây dựng điểm trường mầm non Xéo Mả Pán, xã Khao Mang huyện Mù Cang Chải với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng, Phối hợp với Tỉnh đoàn Hải Dương xây dựng và đưa vào sử dụng cầu dân sinh mang tên Hải Dương 1 tại bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải với tổng kinh phí đầu tư hơn 200 triệu đồng tạo điều kiện 165 hộ dân có thể di chuyển thuận lợi từ bản ra trung tâm xã, đặc biệt cây cầu giúp trẻ em trong bản an tâm đến trường, nhất là trong mùa mưa bão…
Để kỷ niệm 50 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thúc đẩy phong trào “Nâng Cánh ước mơ” lan rộng hơn nữa trên địa bàn tỉnh Yên Bái; trong thời gian tới Tỉnh đoàn Yên Bái sẽ tổ chức thực hiện công trình “Con đường em đến trường” với chiều dài 7km tại bản Hú Trù Lình đi bản Dào Cu Nha, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.
Với ý nghĩa lớn lao, thiết thực của việc xây dựng những con đường cho trẻ em đi học, sẽ còn nhiều “Con đường em đến trường” khác được xây dựng và đưa vào sử dụng tại nhiều thôn, bản của các huyện vùng cao Yên Bái. Những con đường đến trường được bê tông hóa không thể làm gần lại khoảng cách địa lý từ nhà đến trường nhưng chắc hẳn sẽ làm gần hơn những đứa trẻ đến với “cái chữ”, thầy cô, giúp cho các em an tâm hơn trên con đường đến trường.
Nhìn các em tung tăng trên con đường mới đến trường, tôi lại nghe văng vẳng bên tai những câu hát vui nhộn của bài “Đi học xa”
Hôm nay đi học xa
Đường tương lai đường gần,
Hôm nay đi học xa
Đường tương lai đường gần !!!