Nét đẹp văn hóa người Hà Nội từ tục “khai bút đầu xuân”
Khai bút đầu Xuân tại đình thờ Tiên triết Chu Văn An Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khai bút đầu Xuân tại Hà Nội |
Nét đẹp văn hóa truyền qua nhiều thế hệ
Khai bút hay còn được gọi là “chắp bút đầu xuân” chính là việc chúng ta viết những nét bút đầu tiên vào dịp năm mới. Những câu chữ giữa thời khắc chuyển giao ấy luôn chứa đựng mong muốn, nguyện cầu điều tốt lành.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu thực hiện nghi lễ khai bút đầu xuân năm 2024 tại Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (Ảnh: TTXVN) |
Về nguồn gốc khai bút đầu xuân, theo sử sách, tục này gắn liền với hình ảnh thầy giáo Chu Văn An (1292-1370), người từng thi đậu kỳ thi Thái học sinh dưới thời nhà Trần. Ông không chọn ở lại làm quan mà về quê gắn bó với công việc đèn sách.
Sau này, ông được vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử và phò giúp vua. Đến thời vua Trần Dụ Tông, triều đình rối ren, ông khuyên can vua và dâng “thất trảm sớ” nhưng đều bất thành. Ông cáo quan về núi Phượng Hoàng ở ẩn, dạy học, viết sách và tìm thuốc chữa bệnh cho người dân.
Tương truyền, khi về núi Phượng Hoàng ở ẩn và dạy học, mỗi lần học trò về thăm, thầy đều trò chuyện, hỏi han rồi tự tay viết tặng mỗi người một chữ để khích lệ học trò phấn đấu. Ai được tặng chữ đều vô cùng quý trọng, mang về treo ở nơi trang trọng nhất để chiêm nghiệm…
Từ đó tục khai bút được lưu truyền trong giới học sĩ, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, sự thành kính của học trò đối với người thầy.
Danh nhân Chu Văn An sinh năm Nhâm Thìn (1292) là tấm gương sáng ngời về đạo đức, là “vạn thế sư biểu” - người thầy của muôn đời.
Ngày nay, tại đền thờ nhà giáo Chu Văn An ở núi Phượng Hoàng, phường Văn An, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, dịp đầu năm mới đều diễn ra lễ khai bút đầu xuân. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa thể hiện truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và lòng thành kính của hậu thế với các bậc tiền nhân, đề cao sự học, trọng trí tuệ của dân tộc Việt.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng lãnh đạo thành phố, huyện Thanh Trì dâng hương tưởng niệm thầy giáo Chu Văn An và thực hiện nghi thức khai bút Xuân Giáp Thìn |
Lễ khai bút của người xưa thường được thực hiện sau thời khắc giao thừa. Họ thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và khai bút trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều. Mỗi người đều thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó ước nguyện tốt đẹp trong năm mới.
Nối mạch nguồn truyền thống
Người Việt quan niệm cây bút là công cụ gắn bó giữa đời sống trí tuệ và tâm hồn. Khai bút tượng trưng cho may mắn và thành công trong học tập và sự nghiệp, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ học trò cả nước.
Khai bút đầu xuân là phong tục đẹp, mang chiều sâu ý nghĩa nhân văn trong truyền thống văn hóa Việt. Theo thời gian, tục khai bút đã có nhiều nét đổi thay. Tuy không phải là nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết nhưng ngày nay, tục khai bút vẫn rất được coi trọng và luôn thể hiện được giá trị riêng có.
Tiếp nối truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, ngày 18/2, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự lễ khai bút đầu Xuân năm 2024 tại Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, ở xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội. Cùng tham dự có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Học sinh trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội tham gia hội thi “Khai bút đầu xuân Giáp Thìn” |
Tại khu lưu niệm, trước anh linh Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu đã thành kính dâng hương, tưởng nhớ công lao to lớn của Ức Trai tiên sinh, một danh nhân văn hóa kiệt xuất, một nhà tư tưởng vượt thời đại, một nhà chính trị, chiến lược quân sự, ngoại giao lỗi lạc.
Lưu bút của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi: “Thành kính tưởng nhớ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi! Công đức của người thật lớn lao / Lời dạy của người thật sâu sắc / Tấm lòng của người thật trong sáng. Tôi nguyện khắc ghi lời dạy của người: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, nỗ lực không ngừng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước một lòng phục vụ Nhân dân, xây nền thái bình muôn thuở”.
Học sinh trường THCS Thành Công hào hứng tham gia hội thi |
Lễ khai bút đầu xuân có chủ đề: “Thủ đô Hà Nội: Văn hiến - văn minh - hiện đại”. Việc khai bút đầu xuân từ lâu đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Những nét chữ đầu tiên của năm thường gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần thúc đẩy tinh thần hiếu học, xây dựng trí tuệ con người Việt Nam.
Trước đó, vào ngày mùng 7 Tết Nguyên đán, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố, huyện Thanh Trì đã dâng hương tưởng niệm Thầy giáo Chu Văn An và thực hiện nghi thức khai bút Xuân Giáp Thìn tại đình thờ Tiên triết Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì). Đây là hoạt động có ý nghĩa thiêng liêng, là sự khởi đầu một năm mới mang đậm dấu ấn truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội, tục “khai bút đầu xuân” cũng được tổ chức dưới các hình thức đa dạng, phong phú thu hút đông đảo học sinh tham gia. Mới đây, vào ngày 19/2 (tức ngày 10 tháng Giêng Âm lịch), trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội tổ chức Hội thi “Khai bút đầu xuân Giáp Thìn” với mong muốn học sinh biết gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền, phong tục đẹp của người Việt.
Đại diện học sinh các lớp tham gia hội thi |
Hiệu trưởng trường THCS Thành Công Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ: "Người xưa quan niệm những nét bút mạch lạc, rõ ràng, đẹp đẽ viết ra những điều tốt lành giống như một lời cầu chúc năm mới đến mọi sự thuận lợi, suôn sẻ, hanh thông... Hội thi “Khai bút đầu xuân Giáp Thìn” góp phần giúp học sinh nhà trường giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống, tinh thần hiếu học và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
Theo cô Ngọc Anh, việc giáo dục tinh thần hiếu học cho học sinh từ hội thi cũng là một trong những việc làm của nhà trường nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh vừa được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội ký ban hành.
Trong đó, một trong 9 nhóm nhiệm vụ được nhấn mạnh tại chỉ thị là: Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống… cho thế hệ trẻ Thủ đô, hướng tới hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Các nhà trường đề cao giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; kiên quyết ngăn chặn bạo lực và các tệ nạn học đường; nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong học sinh Hà Nội...