Ngành nông nghiệp lập kỳ tích trong “vòng xoáy” COVID-19
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021 và đưa ra những nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022.
Theo đó, năm 2021, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng 2,85-2,9%.
Đáng chú nhất là giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra; Tổng sản lượng lương thực đạt gần 44 triệu tấn.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong năm 2021 đã đi vào thực chất, hiệu quả hơn; Quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại.
Sang năm 2022, chỉ tiêu cơ bản của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 2,8-2,9%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 2,9-3%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 49 tỷ USD.
Với kế hoạch trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng nông nghiệp...
Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 đạt khoảng 48,6 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay (Ảnh minh họa) |
Tại hội nghị tổng kết diễn ra sáng 29/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cam kết sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2021.
Trong đó, ngành nông nghiệp sẽ tăng hàm lượng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp… sẽ là những định hướng chính của ngành nông nghiệp.
“Chúng ta có thể khẳng định rằng, ngành nông nghiệp đã phát huy được giá trị, đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội bị ảnh hưởng bởi những biến cố như dịch bệnh, biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng nói.
Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá ngành nông nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao, đạt kim ngạch xuất khẩu 48,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
“Nhiều quốc gia để xảy ra lộn xộn trong thời gian dịch bệnh, song ngành nông nghiệp đã làm rất tốt, ổn định kinh tế, góp phần vào tăng trưởng dương của cả nước”, ông Diên chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Diên, dù có giá trị xuất khẩu lớn, nhưng ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Ông Diên cho rằng, nguyên nhân nằm ở việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Bên cạnh đó, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy dễ xảy ra.
Do đó, để có giải pháp căn cơ bền vững, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, ngành nông nghiệp cần phối hợp, nâng cao quản lý chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhất là đưa chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Mặt khác, nhằm hướng tới việc khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan, đồng thời đẩy mạnh việc tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số, và xây dựng những chuỗi liên kết bền vững.