Triển vọng từ các mô hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Hiệu ứng tích cực từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), là một trong những điểm sáng trong sản xuất rau an toàn ở Bắc Ninh, với sự phát triển mạnh mẽ của Hợp tác xã nông sản an toàn Liên Ấp. Hiện, hợp tác xã đang canh tác trên tổng diện tích hơn 20ha, liên kết được hơn 100 hộ cùng sản xuất các loại rau cải, dưa chuột Nhật, cà chua, hành, tỏi… theo quy trình an toàn.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Liên Ấp khẳng định, việc trồng rau màu theo hướng an toàn, không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn tăng năng suất, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản cho nông dân.
Đặc biệt, phương thức sản xuất an toàn từng bước giúp nông dân thay đổi hình thức canh tác cũ, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, vì mục tiêu bảo vệ an toàn lao động và sức khỏe cộng đồng.
Còn tại tỉnh Bắc Kạn, từ đầu năm 2021 đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt ở thôn Nà Nạc, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.
Việc ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ cao vào sản xuất, giúp những sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, tổ hợp tác ngày càng nâng cao chất lượng |
Anh Nông Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt cho biết: Hợp tác xã được thành lập với 7 thành viên, ngành nghề chính tập trung sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao. Khắc phục khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, các thành viên hợp tác xã đã cùng đóng góp được 800 triệu đồng xây dựng hơn 2.000m2 nhà kính để trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, áp dụng công nghệ tưới, phun tự động. Ngoài ra, Hợp tác xã còn đầu tư thêm các công trình phụ như giếng khoan, đường đi, hệ thống tưới, phun nước tự động…
Chia sẻ thêm về việc xây dựng mô hình trồng cây ăn quả trong nhà kính, anh Thành cho biết, ưu điểm trồng cây trong nhà kính trước hết đã hạn chế sự ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết hoặc sâu bệnh gây hại. Do ít phụ thuộc vào thiên nhiên nên giúp người sản xuất chủ động trồng được nhiều vụ hơn, tăng năng suất hơn nhiều so với canh tác ngoài trời theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, đây là mô hình còn khá mới mẻ đối với người nông dân ở địa phương, có chi phí đầu tư ban đầu lớn, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và bài bản…
Anh Thành chia sẻ, trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình đã được trồng thành công ở địa phương khác để về áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mình. Để có nguồn phân bón an toàn cho cây, hợp tác xã tận dụng nguồn phân hữu cơ ở địa phương như phân trâu, bò, cá, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cho cây trồng và nguồn đất.
Hiện sản phẩm cây ăn quả của hợp tác xã tiêu thụ rất tốt, thị trường chủ yếu là các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh, ngoài ra mở rộng tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố khác. Tuy giá bán các sản phẩm trong nhà kính cao nhưng khách hàng vẫn chấp nhận và tin dùng, hiện tại, nguồn cung của hợp tác xã chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, đến nay, chuyển đổi số được xác định là một trong những hướng đi quan trọng thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để các hợp tác xã có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý hiệu quả.
Dẫn giải rõ hơn, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nêu rõ, trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế... Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu.
Chuyển đổi số được xác định là một trong những hướng đi quan trọng thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững |
Tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, năm 2020 cả nước có 17 nghìn hợp tác xã nông nghiệp và 68 liên hiệp hợp tác xã. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả khoảng 70%. Trong 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%, chủ yếu tập trung ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc.
Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đang thực sự là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp của các hợp tác xã.
Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng có không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra như nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực, đất đai, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là cơ chế, chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển… Do đó, các hợp tác xã cần triển khai đồng bộ các kế hoạch, giải pháp, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ cao trong sản suất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả lớn, tạo sức bật đột phá toàn diện cho địa phương; Đồng thời tạo ra chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, người sản xuất đã có cơ hội tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Từ đó, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.