Ngư dân Đà Nẵng mưu sinh mùa biển động
Đà Nẵng công bố các quyết định về công tác cán bộ Ngư dân Đà Nẵng vươn khơi đón “lộc biển” đầu năm |
Theo thống kê từ Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, từ ngày 1 - 28/11, có 452 tàu cập cảng (Ảnh: Đ.Minh) |
Bước vào mùa biển động, ngư dân lại phải chật vật mưu sinh. Nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” luôn hối thúc họ chấp nhận rủi ro trên biển, đối mặt với sóng to, gió lớn để vươn khơi bám biển.
“Nóng ruột” chờ ra khơi mùa biển động
Tại thành phố Đà Nẵng, mùa biển động, sóng to, gió lớn thường kéo dài gây bất lợi cho ngư dân, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình hành nghề. Tuy nhiên, nhiều ngư dân rất “nóng ruột” mỗi khi tàu phải nằm bờ, không có thu nhập trang trải cuộc sống. Đối với những ngư dân có tàu công suất nhỏ, hoặc chỉ khai thác gần bờ thu nhập không là bao.
Ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tại âu thuyền Thọ Quang, các tàu cá xếp trải dài san sát, một vài ngư dân ra tàu chủ yếu để kiểm tra máy móc, thiết bị liên lạc, sửa ngư cụ. Vẫn có một số tàu thuyền chuẩn bị ra khơi chấp nhận đối diện với hiểm nguy, bởi tàu thuyền nằm bờ đồng nghĩa ngư dân không có thu nhập.
Mùa biển động ngư dân làm nghề đánh bắt hải sản ven bờ các tàu dưới 20CV bước vào mùa “nghỉ biển” (Ảnh: Đ.Minh) |
Đang loay hoay sửa ngư cụ, lão ngư Trần Phú Tiến (55 tuổi) với 35 năm kinh nghiệm đi biển (ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) nheo mắt đưa tầm nhìn ra phía biển, giọng trầm ngâm: “Nhà tui chỉ có một chiếc tàu công suất nhỏ với vài ba mảnh lưới, bữa nay nguồn lợi từ biển đang cạn kiệt dần, không còn phong phú như xưa. Mùa biển êm thì tui còn kiếm được mẻ cá chứ lúc biển động, ảnh hưởng gió mùa như này không thể mang tàu nhỏ đi đánh bắt”.
Với đặc thù tàu nhỏ không chịu được sóng gió, nên từ tháng 8 Âm lịch khi thời tiết thường xuyên có mưa, gió lớn cũng là lúc hầu hết ngư dân làm nghề đánh bắt hải sản ven bờ trên các tàu dưới 20CV bước vào mùa “nghỉ biển”.
“Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng, nghề đánh bắt ven bờ là nghề “làm nửa năm, nghỉ nửa năm”. Bởi đến tháng 7, 8 Âm lịch, chỉ cần gió cỡ cấp 4 trở lên, chúng tôi đã không thể vươn khơi. Thành thử, cứ đến mùa biển động đành cho tàu nằm bờ rồi ở không”, ông Tiến bộc bạch.
Theo kinh nghiệm của ngư dân đi biển, mùa biển động bắt đầu khoảng từ tháng 9 Âm lịch năm trước đến gần hết tháng 3 năm sau. Thời điểm này, trên biển thường xuất hiện sóng to, gió lớn, thời tiết gặp nhiều bất lợi cho việc đánh bắt, khai thác thủy hải sản.
Mùa biển động cũng là thời điểm cá nhiều, ngư dân thường gọi đây là món “quà Tết” từ biển cả, giá bán cũng cao hơn so với những ngày bình thường.
Đa số những chiếc thuyền của ngư dân tàu có công suất từ 15 - 20 CV đánh bắt cách bờ chừng 8 - 10 hải lý sẽ đi về trong ngày. Thuyền nhỏ đi 2 người, thuyền lớn hơn 4 người, họ chủ yếu là anh em hoặc người thân trong gia đình. Những chuyến biển thường chỉ kéo dài khoảng chừng 4 - 5 tiếng sẽ quay về.
Khi những đợt sóng bạc đầu cuồn cuộn vỗ bờ ngư dân vá sửa ngư lưới cụ, sẵn sàng cho những chuyến biển tiếp theo (Ảnh: Đ.Minh) |
Ngư dân gặp “khó khăn kép”
Ngoài yếu tố thời tiết, theo nhiều ngư dân, hiện nay giá dầu đạt mức trên 21 nghìn đồng/lít, vẫn còn khá cao khiến ngư dân ra khơi không có lãi. Nguồn lợi thủy hải sản ở ven bờ đang ngày càng cạn kiệt, mưu sinh từ biển mỗi lúc một khó khăn, nếu hộ ngư dân nào muốn làm lớn thì phải đầu tư tiền, sắm tàu to, đánh bắt xa bờ. Không phải ai cũng có đủ điều kiện đánh “một ván bài” đầy may rủi với biển khơi.
Anh Nguyễn Trọng Hiếu (đến từ Bình Định) thuyền viên tàu BĐ - 4090xxTS chia sẻ: “Khi biển động, cá thường đi theo từng đàn, nếu trúng thì kiếm được tiền triệu, còn không thì cũng kiếm được vài trăm nghìn. Cuối năm rồi, anh em ai cũng tranh thủ đi đánh bắt để kiếm thêm tiền sắm Tết Nguyên đán”.
Ngày biển động thường cho các loại hải sản tươi ngon nên ngư dân vẫn "làm liều" xuất bến vươn khơi hy vọng trúng “lộc biển” (Ảnh: Đ.Minh) |
Việc hoàn thiện đóng mới một tàu đánh bắt xa bờ có nguồn vốn đầu tư khoảng gần 2 tỷ đồng, Nhà nước tạo điều kiện cho vay 70%, 30% còn lại là nguồn vốn cố định của gia đình. Nếu đi vay, hàng tháng số tiền lãi và trả góp cũng gần 22 triệu đồng.
“Được ăn cả, ngã về không” nếu người nào làm được thì sau khoảng 2 năm là có thể trả hết nợ, gặp trường hợp mùa thất bát thì không có cách nào xoay xở được”, anh Hiếu bộc bạch.
Trở về sau chuyến biển, tàu vừa cập bến hôm nay, với gương mặt buồn so, bởi 2 ngày nay ghe đi biển không có cá. Ngư dân Nguyễn Đức Hương (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) thở dài nói “hôm qua không có, hôm nay cũng chỉ được vài ký cá bạc má. Gió thổi dữ quá, biển động, chắc nằm nhà 7 ngày chờ qua đợt gió này, chứ đi vầy lỗ quá".
Theo tính toán của ông Hương, chi phí 1 chuyến đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày khoảng 600 nghìn đồng (dầu, nước đá, nhân công…), trong khi 2kg cá bạc má chỉ bán được có 180 nghìn đồng, ông lỗ hơn 400 nghìn đồng/ngày.
Tiền dầu mỗi chuyến biển thường chiếm hơn 2/3 tổng chi phí mỗi lần ra khơi khiến hoạt động khai thác, đánh bắt bị ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí lỗ vốn. Vừa đi biển vừa lo lắng là tâm trạng của rất nhiều ngư dân hiện nay. Giá dầu cao còn kéo theo giá ngư lưới cụ, dây tời và nhiều vật tư, nguyên liệu khác cũng tăng theo.
Tiền dầu chiếm hơn 2/3 tổng chi phí mỗi lần ra khơi cho nên giá dầu cao hoạt động khai thác, đánh bắt bị ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí lỗ vốn (Ảnh: Đ.Minh) |
Ðầu năm nay giá dầu gần 19 nghìn đồng/lít, ông Hương bỏ ra gần 600 triệu đồng, nhưng nay khi giá dầu trên 20 nghìn đồng/lít thì số tiền bỏ ra mua dầu đã hơn 834 triệu đồng một chuyến biển, chưa kể các chi phí khác cũng tăng theo. Do đó, ngư dân bám sát ngư trường xem thời điểm thích hợp, có cá mới dám ra khơi, còn không thì nằm bờ.
“Giá dầu cao khiến ngư dân chồng chất thêm khó khăn, nhiều chuyến biển lỗ nặng. Chuyến biển vừa rồi, tàu tôi đánh bắt được khoảng 30 tấn cá ngừ, là mức cao nhất từ đầu năm đến nay nhưng chỉ bán được 600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí chỉ huề vốn, bình thường chỉ đánh được khoảng 10-15 tấn sẽ nắm chắc phần lỗ” ông Hương nghẹn ngào.
Theo nhiều ngư dân, dầu chiếm 70% chi phí một chuyến biển, nên giá dầu tăng tỷ lệ nghịch với lợi nhuận. Mỗi chuyến đi biển khoảng 2 tháng cần 10.000 lít dầu. Hai tháng trước, giá dầu chưa tới 18 nghìn đồng/lít, một chuyến biển tiền dầu chỉ khoảng 180 triệu đồng. Nay dầu chạm mốc trên 20.000 đồng/lít, chi phí đã tăng lên hơn 40 triệu đồng.
Các tiểu thương bán thủy sản tại các chợ như: Chợ Đống Đa, Nại Hiên Đông cho biết, thời gian gần đây nguồn cá và hải sản ở cảng Thọ Quang cung cấp rất ít cá lớn, nguyên nhân các tàu chỉ đánh bắt gần bờ do biển động.
Một số loại cá nhỏ tăng giá có cá giò tăng từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng/lạng, tôm tươi từ 200.000 đồng/ký tăng lên 220.000 đồng/ký, cá phèn tăng từ 4.000 lên 6.000 đồng/lạng...
Ông Nguyễn Lại, Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang nhận định, do thời tiết xấu, số lượng tàu cá nằm bờ cao hơn so với cùng kỳ của mọi năm (Ảnh: Đ.Minh) |
Ông Nguyễn Lại, Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang nhận định, mùa biển động năm nay, thời tiết xấu do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc cũng như các đợt không khí lạnh tràn về khiến số lượng tàu cá nằm bờ nhiều hơn so với cùng kỳ của mọi năm.
Ngoài ra, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hiện tượng giông lốc xảy ra bất thường trở thành những rào cản không hề nhỏ đối với ngư dân mỗi lần vươn khơi đánh bắt thủy sản. Đồng thời, tình trạng tàu giã cào, sử dụng thuốc nổ, kích điện khai thác thủy sản kiểu tận diệt, hủy hoại môi sinh, môi trường vẫn còn diễn ra trở thành nỗi ám ảnh đối với ngư dân chân chính.