Người trẻ “chi tiền” mua giấc ngủ
Người trẻ đánh đổi nhiều thứ khi chọn nghề freelancer Những nhân viên “gánh” công việc cho đồng nghiệp nơi công sở Xu hướng dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa để… xả stress của giới trẻ |
Mất ngủ và thức trắng đêm
Bắt đầu gặp tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc từ khoảng gần 2 năm qua, Trần Khánh Linh (23 tuổi, kế toán) không biết chắc chắn nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện tại của bản thân là gì, nhưng cô gái trẻ nhận thấy mình khó ngủ hơn vào những ngày gặp áp lực tình cảm, công việc.
Hơn 2 tháng qua, Khánh Linh bắt đầu sử dụng kẹo ngủ mỗi tối để có thể ngủ nhanh, sâu và ngon hơn. Trước đây, cô gái trẻ từng dùng các loại trà hoa cúc, trà trái cây, thậm chí đôi lúc là cả đồ uống có cồn trước khi ngủ.
Khánh Linh tìm đến kẹo ngủ sau khi thử nhiều cách mà vẫn không thể ngủ ngon và đủ giấc |
Khánh Linh cho biết, cô từng thử nhiều cách, nhưng các loại trà dường như không mang lại hiệu quả mà càng khiến cô tỉnh táo hơn trong khi đồ uống có cồn lại không tốt cho sức khỏe. Đến khi được người bạn thân giới thiệu về kẹo ngủ, cô gái 23 tuổi quyết định mua và dùng thử
Kết thúc công việc mỗi ngày vào khoảng 12h đêm nhưng đến khi nằm lên giường, dù cố gắng nhắm mặt, đặt điện thoại ở xa nhưng Khánh Linh không hề cảm thấy buồn ngủ. Cô gái trẻ đành chơi game, xem phim hoặc lướt mạng xã hội đến khoảng 3 - 4h sáng cho đến khi cơ thể quá mệt và tự động thiếp đi.
"Ngủ muộn nhưng mình phải thức dậy từ 6.30 sáng nếu không muốn muộn làm. Thiếu ngủ khiến mắt mình giống như “mắt gấu trúc”, cơ thể mệt mỏi, không còn chút sức lực nào cho ngày làm việc hôm sau.
Nhưng cái cảm giác đáng sợ nhất là cảm giác bất lực khi mình cố gắng mà không thể ngủ. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán mình bị suy kiệt, cần sử dụng thuốc Tây theo đơn hoặc tập thiền, yoga để cơ thể hồi phục và giảm căng thẳng.
Kẹo ngủ đang là một sản phẩm được nhiều người sử dụng |
Vậy nhưng mình không muốn dùng thuốc Tây, cũng không thích ngồi thiền hay yoga nên cả bác sĩ và bạn đều gợi ý mình có thể thử kẹo ngủ (một loại thực phẩm chức năng được phép lưu hành và sử dụng có thành phần melatonin), nhưng chỉ có tác dụng hỗ trợ và khó lâu dài", Khánh Linh chia sẻ.
Giống như Khánh Linh, mất ngủ và căng thẳng như một vòng lặp không hồi kết trong cuộc sống của Ngọc Long (24 tuổi, sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhiều năm qua. Áp lực cuộc sống khiến Long hay suy nghĩ, khó ngủ, nhiều đêm thức trắng. Thức đêm nhiều, thiếu ngủ lại càng khiến Long mệt mỏi và chịu thêm nhiều áp lực.
Thiếu ngủ, mất ngủ khiến chàng trai 24 tuổi trở nên dễ bực bội và mất tập trung. Thời gian gần đây, anh thường đi làm muộn, quên mất các công việc mình được giao, ngủ gật trong giờ làm và thậm chí đang nói phải dừng lại vì quên mất những suy nghĩ trong đầu.
Đã có những thời điểm, Long cảm thấy mình dễ ngủ hơn khi say hoặc mệt khi tập thể thao nhiều hơn. Vậy nên nhiều đêm, anh cố gắng dùng đồ uống có cồn hoặc chạy bộ cho đến khi thấm mệt để có thể ngủ sớm. Dù vậy, cách làm này không thể duy trì được lâu vì nóc càng khiến chàng trai trẻ mệt mỏi vào sáng hôm sau.
Ngọc Long tìm đến thuốc an thần dạng nhẹ để có thể dễ ngủ hơn |
Chán nản với việc không thể ngủ, Long tự tìm hiểu và sử dụng một loại thuốc an thần dạng nhẹ và kết hợp dùng thêm kẹo ngủ. Long thường dùng mỗi loại một viên kết hợp trước khi ngủ và cho biết, anh không chỉ dễ ngủ hơn mà còn giảm bớt những cơn đau đầu thường gặp.
"Mình biết việc sử dụng thuốc an thần không kê đơn, dù là liều nhẹ, đều mang tác dụng phụ nào đó. Hay là kể cả việc phụ thuộc vào kẹo ngủ cũng vậy. Nhưng với mình hiện tại, chỉ cần ngủ được đã là tốt rồi", Long bày tỏ.
Không nên lạm dụng
Từng sử dụng kẹo ngủ để đối phó với tình trạng mất ngủ của mình trong khoảng vài tháng nhưng cuối cùng, Vân Hà (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định quay lại với phương pháp tập yoga, dùng nến thơm và thảo mộc.
Cô gái trẻ cho biết mình bị mất ngủ khoảng gần 4 tháng qua, đặc biệt sau giai đoạn mắc COVID-19. Giấc ngủ kém chất lượng khiến cô cảm thấy uể oải, khó tập trung và không thể tận hưởng cuộc sống một cách vui vẻ.
Lạm dụng thuốc hay các thực phẩm chức năng hỗ trợ ngủ ngon càng khiến người bị mất ngủ thêm mệt mỏi, căng thẳng |
"Mình từng mua kẹo ngủ, thậm chí là cả thuốc an thần dạng nhẹ kết hợp với một vài đồ uống có cồn với hy vọng dễ ngủ. Nhưng dường nhưng những biện pháp đó không hoàn toàn phù hợp, cơ thể mình tuy có dễ ngủ hơn nhưng mình cảm nhận sự đi xuống của sức khỏe. Gần một tháng nay, mình duy trì việc tập yoga, đọc sách, sử dụng thêm nến thơm khi cần tập trung và trong lúc làm việc, mình đã cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều", Vân Hà nói.
Theo cô gái 25 tuổi, nguyên nhân việc mất ngủ ở người trẻ chủ yếu do áp lực tinh thần và việc đó không nên điều trị bằng những giải pháp tạm thời. Thay vào đó, Vân Hà cố gắng chữa lành từ bên trong, giải tỏa áp lực bằng sự tĩnh tâm. Khi đầu óc thật sự thư thái, giấc ngủ sẽ đến một cách tự nhiên.
"Mình đã tìm hiểu kỹ lưỡng và thấy rằng những biện pháp mình lựa chọn rất lành tính, không chỉ mang lại ích lợi cho giấc ngủ mà còn cho sức khỏe nói chung. Khi các triệu chứng mất ngủ hoàn toàn biến mất, mình vẫn sẽ tập yoga và một số bộ môn nữa để tĩnh tâm và xả stress", Vân Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, Vân Hà cũng cho biết, việc ngồi thiền, đốt nến thơm không thể mang lại hiệu quả tức thì. Đây là giải pháp giúp thay đổi từ từ và cần có thời gian. Nếu ai muốn lập tức chấm dứt tình trạng mất ngủ, có lẽ họ không nên áp dụng biện pháp này.
Để có thể chữa trị mất ngủ, dùng thuốc hay các thực phẩm chức năng hỗ trợ nên là biện pháp cuối cùng |
Đối với những người trẻ, ai cũng có tham vọng, mục tiêu riêng nhưng cần bố trí lại hợp lý, khoa học. Để ngăn ngừa hậu quả hoặc tiến triển nặng hơn khi có triệu chứng căng thẳng, mọi người cần sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần xem liệu có thể giải quyết tình trạng này thế nào thay vì tự chữa trị.
Khi một người bị căng thẳng, mất ngủ thì thuốc nên là biện pháp cuối cùng. Trước đó, chúng ta nên tham gia câu lạc bộ, tăng cường hoạt động thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, các lớp thiền, yoga, tập dưỡng sinh, gối ngủ, tinh dầu, nến thơm… cũng có thể hỗ trợ về tâm lý rất tốt.