Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội
Tới dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS.TS Đoàn Minh Huấn; Ủy viên Ban thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội; Cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý...
Quang cảnh hội thảo |
Hà Nội luôn coi trọng và xác định phát triển văn hoá
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh và lan toả những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người. Hà Nội đã được tổ chức UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Một ưu thế tuyệt đối, riêng có của Hà Nội là lịch sử 1.000 năm hình thành và phát triển. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội là nguồn lực nội sinh giàu năng lượng, ngày càng hội tụ, lan tỏa rộng khắp để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Hà Nội không chỉ là trung tâm quyền lực chính trị mà còn có bệ đỡ của sức mạnh “mềm” chính là trung tâm văn hóa.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu khai mạc hội thảo |
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội luôn coi trọng và xác định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; Giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội; Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến anh hùng, Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sậu sắc, tôn trọng pháp luật, giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; Coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.
Đồng thời, Hà Nội xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế về Thủ đô tươi đẹp, hòa bình, hữu nghị và người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiếu khách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế.
Coi phát huy sức mạnh văn hóa là một đột phá chiến lược
Tại Hội nghị, các tham luận đã kiến giải rõ hơn một số vấn đề lý luận về vị trí, vai trò của văn hóa, nguồn lực văn hóa; Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy nguồn lực văn hóa, xây dựng văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội…
Các tham luận cũng nhận diện những điều kiện mới hiện nay ảnh hưởng, tác động đến quá trình xây dựng văn hóa, con người cũng như việc phát huy nguồn lực văn hóa của nước ta nói chung và của Hà Nội nói riêng; Những kết quả đã đạt được của Hà Nội trong xây dựng và định hình thương hiệu Thành phố sáng tạo…
Bên cạnh đó, một số tham luận và ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế cần khắc phục để thúc đẩy hiệu quả phát huy nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo”, như: Nhận thức về công nghiệp văn hóa, sáng tạo cũng như vai trò của sức mạnh mềm văn hóa ở một bộ phận cán bộ, người dân chưa cao; Cơ chế, chính sách để khai thông nguồn lực văn hóa và thúc đẩy đổi mới sáng tạo còn một số hạn chế; Hoạt động giáo dục sáng tạo chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới, chưa khai thác được đội ngũ trí thức các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trên địa bàn vào sự nghiệp phát triển đô thị sáng tạo của Thủ đô…
Các tham luận cũng kiến nghị, hiến kế cho chính quyền Hà Nội những giải pháp để khai thông, vốn hóa nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố sáng tạo …
GS. TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, văn hóa có chức năng điều tiết xã hội. Quá trình thực hiện chức năng điều tiết của văn hóa chính là quá trình các yếu tố văn hóa tác động trực tiếp vào xã hội, mang lại những vận động trên thực tế, dẫn tới hiệu quả là sự phát triển của xã hội.
GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình nghệ thuật văn học Trung ương |
Để phát huy được nguồn lực cho phát triển từ chức năng điều tiết xã hội của văn hóa, GS. TS Tạ Ngọc Tấn, Hà Nội cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ bản chất văn hóa, vai trò, vị trí, ý nghĩa của văn hóa trong đời sống. Nhận thức đấy phải được cụ thể hóa bằng những chính sách cụ thể, được chế định trong các quy định luật pháp và được bảo đảm thực hiện bằng các thiết chế chính trị - xã hội.
GS. TS Tạ Ngọc Tấn cũng chỉ rõ, yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả đầu tư cho văn hóa là con người, nghĩa là đầu tư cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhân viên chuyên môn, người hoạt động các phong trào, văn nghệ sĩ, đội ngũ trí thức hoạt động văn hóa…
Còn theo GS. TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, trí thức là lực lượng rất quan trọng trong toàn bộ quá trình văn hóa từ sản xuất, sáng tạo đến truyền bá và nhận định hiệu quả của văn hóa đối với người tiếp nhận. Vì vậy, Hà Nội nên tập trung cho khởi nghiệp sáng tạo, cho lựa chọn ưu thế của mình trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.
“Khai thông nguồn lực văn hóa cho sự phát triển bền vững của Hà Nội không chỉ là làm sống lại quá khứ, truyền thống trong hiện tại mà còn kích hoạt sức mạnh văn hóa của hiện tại cho sự phát triển của tương lai Hà Nội”, GS. TS Đinh Xuân Dũng nêu và kiến nghị, Hà Nội nên coi phát huy sức mạnh văn hóa là một đột phá chiến lược trong sự phát triển của mình.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu kết luận hội thảo |
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đánh giá, các kiến nghị và giải pháp được đưa ra trong Hội thảo dưới nhiều góc nhìn đã thể hiện sự tâm huyết, trăn trở của các tác giả đối với vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng. Tất cả đều hướng mục tiêu phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam cũng như Thủ đô, trung tâm sáng tạo của Đông Nam Á, tạo cơ sở cho việc mở rộng mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên cả nước, nâng cao sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu, sau Hội thảo, Ban Tổ chức cần rà soát, biên tập lại để ứng dụng kết quả hội thảo phục vụ trực tiếp cho các công tác lãnh đạo, quản lý; Đối với những vấn đề đã chín, đã rõ, thực tiễn kiểm chứng là đúng, có khung thể chế rõ ràng, các cơ quan chức năng cần chủ động xây dựng đề án, kế hoạch, bắt tay thực hiện bằng trách nhiệm cao nhất…
Đồng chí Ngô Văn Quý cũng đề nghị đối với những bài viết, tham luận có luận cứ khoa học, thực tiễn chắc chắn, Tạp chí Cộng sản chọn lọc để đăng tải trực tiếp trên trên các ấn phẩm của mình; Đồng thời tổ chức biên tập và xuất bản thành sách để truyền thông rộng rãi nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô, chuyển tải vào giáo dục trong nhà trường.