Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ mua hàng online
Ma trận chợ thực phẩm online
Hơn một năm nay, chị Nguyễn Thu Phương (ở quận Hà Đông, Hà Nội) trở thành khách hàng quen thuộc của một số địa chỉ bán đồ ăn online.
“Trung bình một tuần, tôi đặt mua thực phẩm trên mạng từ 3 - 4 lần. Các mặt hàng thường là hoa quả, đồ ăn chín, đồ ăn vặt… Tôi cũng không biết nguồn gốc của sản phẩm song vì tiện và ăn cũng thấy ngon miệng, giá cả hợp lý nên mua thường xuyên”, chị Phương cho biết.
Chợ online rất đa dạng các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn |
Không chỉ chị Phương, hiện nay, nhiều người lựa chọn mua thực phẩm online bởi họ có thể tiết kiệm được thời gian mua sắm, giá thành đôi khi rẻ hơn cửa hàng, có nhiều lựa chọn về sản phẩm… Đây là một trong những xu hướng đang phổ biến hiện nay.
Trên thực tế, khách hàng thường biết đến các địa chỉ bán thực phẩm online qua các trang mạng xã hội, như: Zalo, Facebook, các trang rao vặt. Việc mua, bán online chủ yếu được thực hiện dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua.
Hơn thế nữa, việc kinh doanh này đa phần là nhỏ lẻ, hầu hết không có giấy phép. Nhiều loại thực phẩm được rao bán theo kiểu nhà làm nên không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm.
Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng nên nguy cơ ngộ độc khi ăn phải là điều không tránh khỏi.
Các loại đồ uống cũng có thể được mua dễ dàng trên chợ mạng |
Chị Kim Liên (ở Thuỵ Khuê, Ba Đình, Hà Nội) vài lần thất vọng khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử.
Chị chia sẻ: “Tôi mua tôm khô với giá 650.000 đồng/kg, khi áp mã giảm giá thì rẻ hơn mua ngoài cửa hàng. Theo người bán quảng cáo, tôm khô loại 1, không mặn và khô. Tuy nhiên, khi nhận hàng, sử dụng thì tôi thấy khác xa quảng cáo, vị rất mặn và khô, một số con còn bị mốc. Khi khiếu nại đơn hàng, không được người bán phản hồi nên tôi thấy hơi lo...”.
Từ khi sinh em bé, để có nhiều thời gian dành cho việc chăm sóc con cái, chị Kim Diệu (ở Lạc Long Quân, Tây Hồ) cũng đã chọn mua thực phẩm trên “chợ online”.
“Nhiều lần mua thực phẩm trên mạng, tôi cũng nhận được những sản phẩm ưng ý, bảo đảm chất lượng, tươi ngon. Tuy nhiên, cũng không ít lần sản phẩm nhận được không như hình ảnh được quảng cáo, rao bán trên mạng, thậm chí đành vứt bỏ, không dám sử dụng.
Hơn nữa, do địa chỉ đăng bán hàng chỉ có tên đường, không rõ số nhà, phản ánh qua điện thoại cũng chỉ nhận được câu trả lời là sẽ xem lại nên tôi tự nhủ sẽ không bao giờ lựa chọn thực phẩm của người này nữa”, Chị Diệu chia sẻ.
Khó kiểm soát chất lượng
Việc kiểm soát, hay xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hình thức kinh doanh online không hề dễ dàng.
Phần lớn người dùng nếu mua phải thực phẩm kém chất lượng sẽ xử lý bằng cách không tiếp tục mua hàng nữa thay vì báo với cơ quan chức năng, bởi có thể mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe họ chưa nhiều, cũng có thể do suy nghĩ rằng thiệt hại không quá lớn. Chính điều này càng gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong kiểm soát chất lượng thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay, hình thức kinh doanh online ngày càng phổ biến, trong đó có mặt hàng thực phẩm.
Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng. Các biện pháp kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này cần được quan tâm và thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Thực phẩm trên mạng được quảng cáo bắt mắt |
Phương thức quảng cáo thực phẩm đã dần thay đổi từ trên các phương tiện chính thống, truyền hình, báo đài sang quảng cáo qua mạng và các nền tảng xã hội với đặc điểm rẻ, nhanh, khó kiểm soát.
“Việc giám sát, quản lý, xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm cần phải có những thay đổi phù hợp thực tiễn”, ông Long nhấn mạnh.
Do đó người kinh doanh thực phẩm nên lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn, sạch sẽ để chế biến, chủ động đăng ký kinh doanh để tạo niềm tin cho khách hàng và các cơ quan quản lý.
Còn người tiêu dùng cần cân nhắc trong mua sắm, chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín, có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng như: Siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm có địa chỉ và được chứng nhận… để đảm bảo sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình.
Từ năm 2021 đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thông qua Tổ xử lý phản ứng nhanh đã khóa 200 gian hàng online, trên 500 sản phẩm vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm, dược mỹ phẩm.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm thông qua hình thức kinh doanh trực tuyến vẫn diễn biến phức tạp.
Sử dụng thực phẩm thế nào cho an toàn khi tủ lạnh mất điện? TTTĐ - Khi thời tiết nóng bức, việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, tủ đông là rất quan trọng để tránh vi khuẩn ... |
Xua tan nóng hè với bát nước canh sấu dầm chua dịu mát TTTĐ - Tháng sáu mùa hè Hà Nội, trời nắng oi nồng. Bữa cơm uể oải bỗng chốc trở nên dễ ăn chỉ với bát ... |
Hà Nội: Xử phạt 1.679 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm TTTĐ - Chiều 4/6, tại điểm cầu UBND TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Hà Nội ... |