Nhiều bạn trẻ “gác” dự định du lịch để phòng dịch Covid-19
Hủy tour du lịch Tết, ở nhà đón năm mới cùng bố mẹ
Thông thường, trước và sau Tết, nhiều người trẻ chọn cách đi du lịch để giải tỏa căng thẳng sau một năm làm việc với nhiều vất vả nhưng trong Tết này, nhiều người phải ngậm ngùi “hủy vé, xếp quần áo mới vào góc tủ” và quyết định “ở yên một chỗ” vì dịch Covid-19.
Bạn Đặng Thị Diễm Hương, quê ở Bắc Giang nhưng đã sinh sống và làm việc ở Hà Nội nhiều năm nay chia sẻ: “Tôi và một số bạn đã rất háo hức cho chuyến đi Phú Quốc vào dịp Tết Tân Sửu năm nay. Bởi lẽ, cả năm nay tôi chưa được đi đâu. Mọi thứ đã được lên kế hoạch chi tiết mà giờ đành gác lại”.
Bạn Thu Trang đam mê xê dịch, dịch bệnh ảnh hưởng tới sở thích du lịch của cô |
Hương cũng cho biết, cảm thấy hơi buồn vì những năm trước, hầu như năm nào cô cũng đi du lịch 2-3 lần, thậm chí cả đi nước ngoài. Năm nay, vào thời điểm dịch tạm lắng thì Hương lại bận công việc nên chưa sắp xếp được. Sau rất nhiều cân nhắc, cô quyết định đi du lịch vào dịp Tết thì lại bùng phát Covid-19 nên đành ở nhà dọn dẹp, nấu bánh chưng cùng bố mẹ như mọi năm vậy.
Hiểu rõ mức độ nguy hiểm do virus SARS-CoV-2 gây ra, hai bạn Bùi Thị Hoa và Lê Thanh Hồng (đều SN 1996, Hà Nội), đã nhanh chóng liên lạc tới đơn vị du lịch để hoãn chuyến du xuân lên Sa Pa vào tháng 2 này.
“Đợt dịch này căng thẳng hơn trước vì virus biến chủng, tốc độ lây lan nhanh. Du lịch thì có thể chờ, còn nhỡ gia đình nhiễm bệnh thì mình không biết phải làm sao”, bạn Hoa chia sẻ.
Bên cạnh việc hủy chuyến, có những bạn trẻ yêu thích du lịch, không quyết định hủy mà chỉ tạm hoãn và dời ngày đi sang hôm khác, khi nào dịch lắng lại.
Bạn Thu Trang (sinh năm 1998), nhân viên ngân hàng làm việc ở Hà Nội, cũng không có ý định hủy chuyến du lịch Đà Lạt với nhóm bạn thân tổ chức ngay sau Tết.
"Chuyến đi này rất đặc biệt với chúng em bởi một người trong nhóm sẽ đi du học vào mùa hè năm nay. Do vậy, cả nhóm kiên quyết không hủy mà chỉ lùi lịch sang ngày khác, tùy theo tình hình dịch bệnh. Chúng em đặt phòng và vé máy bay không thông qua bên thứ ba nên việc thay đổi thời gian sẽ đơn giản hơn", Trang cho biết.
Thu Trang cho biết cô là một người đam mê "xê dịch" cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sở thích du lịch cá nhân mà còn cả gia đình và công việc của cô.
"Hiện Quảng Ninh, quê em là một trong những ổ dịch lớn nên khả năng cao em không được về ăn Tết với bố mẹ. Còn ở chỗ làm, em và các nhân viên phải luân phiên nhau làm việc tại nhà, gây ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất công việc", Thu Trang bộc bạch.
Vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều bạn trẻ quyết định hủy bỏ kế hoạch du lịch dịp Tết |
việc nên làm lúc này...
“Tiếc thật” là suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu Đỗ Thu Hằng (sinh năm 1990, Hà Nội) khi nghe tin chương trình ca nhạc yêu thích tại TP Đà Lạt bị hủy bỏ vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, cô đã kịp sắp xếp lịch trình.
“Mình cũng lường trước việc này nên không cảm thấy quá bị động. Dù đồ đạc đã sắp xếp xong, mình và bạn đồng hành vẫn chấp nhận hủy vé máy bay, trả phòng khách sạn và hoãn các kế hoạch ăn chơi ở TP Đà Lạt dịp cuối năm.
Tiếc thì tiếc thật, vì chương trình ca nhạc này tôi đã chờ đợi từ lâu nhưng đây là trường hợp bất khả kháng. Mình lựa chọn tuân thủ quy định do Chính phủ ban hành để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, đồng thời chung tay cùng cả nước để chống dịch”, Hằng chia sẻ thêm.
Bạn Hoàng Duyên, Trưởng phòng Marketting tại một công ty về đào tạo cũng mong chuyến du lịch vào TP Hồ Chí Minh từ nửa tháng nay. Cô sắp xếp công việc ổn thỏa và dự định 28 Tết sẽ bay vào cùng với nhóm bạn của mình.
“Lúc mới bùng dịch em lo lắng và cân nhắc không biết có nên tiếp tục đi hay không. Nghĩ cũng tiếc. Lúc đầu em tiếc tiền vì nếu không đi mà tự hủy thì mất hết số tiền. Cũng may là chính sách của ngành hàng không sẽ hoàn tiền cho khách hàng nên em quyết định hoãn luôn không một chút áy náy. Bởi vì em nghĩ là dịch bệnh thế này ở nhà vẫn hơn”, Duyên nói.
Hoàng Duyên cho biết thêm, thực ra 3 năm nay cô chưa ăn Tết ở nhà cùng bố mẹ. Năm đầu tiên bố mẹ Duyên không thích nhưng thấy con gái quyết tâm đi nên ông bà cũng vui vẻ.
“Em hiểu bố mẹ muốn con cái ăn Tết ở nhà nhưng thấy các cụ, rồi hàng xóm, người thân cứ hỏi chuyện chồng con nên em không thích lắm. Mãi cũng thành quen, năm nay chắc bố mẹ em vui lắm, ở nhà dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đào quất cũng thấy vui”, Duyên tâm sự.
Dẫu biết rằng, tuổi trẻ ai cũng thích .Có nhiều lý do để dẫn đến việc người trẻ thay vì ở bên gia đình lại chọn cách đi du lịch trong những ngày đoàn viên này. Họ muốn tận dụng những ngày nghỉ dài để đi du lịch thật thoả thích. Sau một năm làm lụng vất vả, họ muốn dành cho mình một khoảng thời gian riêng để xả stress thay vì phải quay cuồng với dọn dẹp nhà cửa, cúng kiến...
Thế nhưng, nhiều người trẻ lại có suy nghĩ khác. Tết là để đoàn viên, sum họp, bên cạnh gia đình và người thân sau một năm vất vả vì công việc. Không gì có thể sánh được cảm giác ấm áp khi được ở bên mẹ cha, chăm sóc ông bà hay ngồi bên bếp lửa làm những món ăn truyền thống. Với họ, cái gốc của Tết là sum vầy.