Nhiều thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế TP Hồ Chí Minh
Nhiều thiếu sót, vi phạm
Theo KLTT, sau hơn 33 năm hoạt động và liên tục phát triển, đến nay Yteco đã thiết lập được thương hiệu mạnh và hệ thống phân phối rộng lớn trên cả nước gồm các chi nhánh, cửa hàng bán sỉ và lẻ dược phẩm và dụng cụ y tế tại TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và các thành phố lớn khác. Công ty hoạt động kinh doanh đa ngành nghề nhìn chung ổn định, có hiệu quả, có thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, Yteco có những thiếu sót, vi phạm quy định pháp luật trong công tác điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, kế toán...
Thanh tra chỉ ra hàng loạt thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế TP Hồ Chí Minh |
Cụ thể, tại báo cáo tài chính thời điểm ngày 30/6/2020 của Yteco (do Ban Điều hành mới chỉ đạo điều chỉnh sau khi có kết quả soát xét) thể hiện kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tiềm năng kinh tế của công ty không đầy đủ, không đúng thực tế; Từ đó phản ánh không đúng giá trị doanh nghiệp, dẫn đến khả năng không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông Yteco, trong đó có cổ đông Nhà nước là Công ty Dược Sài Gòn.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, Yteco còn có những vi phạm trong quản lý sử dụng đất thuê của Nhà nước; Việc chấp hành nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước... cần được tiếp tục kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Về việc tăng vốn điều lệ năm 2020 của Yteco: Phương án chào bán cổ phiếu đã được Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông bất thường của Yteco thông qua (ngày 8/11/2020) có nhiều nội dung không đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, phương án tăng vốn điều lệ với giá chào bán cổ phần là 10.000 đồng/cổ phần với số lượng dưới 100 nhà đầu tư là cổ đông hiện hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là không xác định rõ về đối tượng và số lượng nhà đầu tư trong số các cổ đông hiện hữu; Được chào bán đến hơn 100 cổ đông hiện hữu của Yteco; Phương án tăng vốn điều lệ được thông qua trên cơ sở kết quả biểu quyết tại đại hội, trong đó bao gồm biểu quyết thuận của một số cổ đông là nhà đầu tư có tên trong danh sách được mua cổ phần phát hành riêng lẻ đợt này (đã được Hội đồng Quản trị Yteco phê duyệt sau đó) là trái với khoản 3, khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2006 (hết hiệu lực vào ngày 1/1/ 2021).
Về giá chào bán cổ phiếu phát hành thêm tại phương án với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và phát hành thêm cho giới hạn dưới 100 nhà đầu tư khi không tiến hành thẩm định về giá trị doanh nghiệp, không thông qua hình thức đấu giá cổ phiếu là không đảm bảo nguyên tắc hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán tại khoản 2, Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2006 và nguyên tắc quản trị công ty đại chúng tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2006 dẫn đến chưa bảo đảm quyền và lợi ích của các cổ đông hiện hữu (trong đó có cổ đông Nhà nước).
Trường hợp Yteco tiếp tục thực hiện việc bán cổ phần phát hành thêm trái quy định của pháp luật nêu trên, cố ý gây thiệt hại đến quyền lợi của cổ đông Yteco nói chung và cổ đông Nhà nước nói riêng thì cần chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh tra TP Hồ Chí Minh xác định các sai phạm, thiếu sót nêu trên trách nhiệm thuộc về Hội đồng quản trị, đại điện pháp luật Yteco có liên quan thời kỳ phát sinh vụ việc.
Đối với khoản nợ phải thu của Công ty Cổ phần Duy Tân (Công ty Duy Tân), đây là khoản công nợ do Yteco nhập ủy thác cho Công ty Duy Tân từ năm 2014 trở về trước. Theo thỏa thuận, Công ty Duy Tân phải thanh toán tiền cho Yteco ngay sau khi nhận được hàng nhưng thực tế Công ty Duy Tân không thực hiện đúng cam kết về thời hạn thanh toán.
Báo cáo tài chính của Công ty Duy Tân thể hiện: Công ty Duy Tân vẫn hoạt động bình thường, doanh thu ổn định và có lợi nhuận. Như vậy, việc Công ty Duy Tân không thanh toán nợ cho Yteco và không tiếp tục giao dịch mua bán với Yteco cho thấy Công ty Duy Tân có hành vi chiếm dụng vốn của Yteco trong thời gian dài.
Mặc dù Yteco đã tính lãi suất nợ quá hạn đối với Công ty Duy Tân, tuy nhiên về cách tính lãi quá hạn không phù hợp với cách tính lãi mà các ngân hàng cho Yteco vay, từ đó không đảm bảo quyền lợi của Yteco. Theo đó, số chênh lệch tạm tính giữa cách tính Yteco với cách tính của ngân hàng (theo lãi suất ấn định của Yteco) là 13,3 tỷ đồng và chênh lệch giữa cách tính Yteco với cách tính của ngân hàng (theo lãi suất của ngân hàng) là 25,4 tỷ đồng.
Qua đó cho thấy, ban điều hành của Yteco đã thỏa thuận các điều khoản thanh toán công nợ theo hướng làm lợi cho Công ty Duy Tân và không đảm bảo lợi ích cho Yteco theo điểm b, điểm c khoản 1 Điều 160 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Do đó, Yteco cần rà soát, xác định đúng số lãi phải trả của Công ty Duy Tân để đảm bảo quyền lợi cho Yteco trong đó có quyền lợi của cổ đông Nhà nước.
Về quá trình sử dụng 3 khu đất thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm tại các địa chỉ số 76 Sương Nguyệt Anh, phường Bến Thành, Quận 1; Số 181 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3; Số 24 đường số 17, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức), Yteco đều có thời gian dài sử dụng đất (toàn bộ hoặc một phần đất) không đúng mục đích theo quyết định cho thuê đất, hợp đồng cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền (có một trường hợp sai phạm đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý; 2 trường hợp chưa được kiểm tra, xử lý).
Mặc dù có vi phạm nhưng đại diện pháp luật Yteco vẫn có giấy cam kết về việc sử dụng đất đúng mục đích để được hưởng chính sách giảm tiền thuê đất (năm 2013 và 2014) và được xác định lại nhằm giảm đơn giá thuê đất phải nộp (giai đoạn 2016 - 2020) là không đúng quy định.
Khoản thu lợi trái pháp luật từ việc cho thuê lại nhà đất của Yteco nêu trên chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kết luận, xử lý thu hồi theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại các khu đất trên cũng phát sinh một số kiến trúc, công trình xây dựng không phép, sai phép hoặc công trình có hạng mục chưa được cơ quan có thẩm quyền có ý kiến chuyên môn về thiết kế kỹ thuật, môi trường, phòng cháy chữa cháy và Yteco chưa thực hiện hoàn công nhưng vẫn đưa vào khai thác, sử dụng, kinh doanh.
Các thiếu sót, vi phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về Hội đồng quản trị, đại diện pháp luật Yteco, đại diện vốn của Công ty Dược Sài Gòn tại Yteco thời kỳ phát sinh vụ việc.
Ngoài ra, KLTT còn chỉ ra hàng loạt thiếu sót và vi phạm khác của Yteco và các công ty liên quan.
Đề nghị khẩn trương khắc phục các vi phạm
Từ những kết luận nêu trên, Chánh Thanh tra đã kiến nghị và được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất giao Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dược Sài Gòn TNHH MTV chỉ đạo đại diện vốn của Công ty Dược Sài Gòn tại Yteco yêu cầu Hội đồng quản trị, đại diện pháp luật của Yteco tuân thủ nghiêm quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài chính, kế toán, chứng khoán, đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế... và các quy định pháp luật liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các cơ quan, đơn vị khẩn trương khắc phục các sai phạm, thiếu sót được nêu tại KLTT theo đúng quy định của pháp luật, trong đó cần hủy bỏ phương án tăng vốn điều lệ đã được thông qua trái quy định pháp luật; Chấm dứt việc sử dụng đất không đúng mục đích theo quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất của cơ quan có thẩm quyền, việc hợp tác kinh doanh không đúng quy định của pháp luật; Liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện các thủ tục về xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy đảm bảo các công trình đã được xây dựng phải đảm bảo đủ điều kiện hoàn công và an toàn khi đưa vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật; Nghiêm túc chấp hành các kết luận, quyết định hành chính, quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến các sai phạm về thuế, đất đai, xây dựng, môi trường... đã xảy ra tại Yteco trong thời gian vừa qua.
Trường hợp Yteco tiếp tục thực hiện việc bán cổ phần thêm trái quy định pháp luật như đã nêu tại KLTT gây thiệt hại đến quyền lợi của cổ đông Yteco nói chung và cổ đông Nhà nước nói riêng thì cần báo cáo UBND thành phố đề xuất chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật…