Nhức nhối vấn nạn người trẻ đua xe, mang theo hung khí
Lời cảnh tỉnh từ những hành vi lệch lạc, đua xe trái phép Công an Hà Nội xuyên đêm bắt giữ gần 30 “quái xế” |
Hành vi vi phạm an toàn giao thông tăng cao
Tại phiên chất vấn chiều 11/12, kỳ họp thứ 20 Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố (TP) Hà Nội, đại biểu tham dự nêu vấn đề về tình trạng vi phạm pháp luật an toàn giao thông, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phương tiện giao thông dừng đỗ trái phép…
Theo đó, trả lời các đại biểu, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết: Theo chức năng của của lực lượng Công an và Cảnh sát giao thông, có 2 nhóm mục tiêu: Giảm tai nạn (3 giảm: Số vụ, số người chết, số người bị thương), phòng chống ùn tắc giao thông. Triển khai theo 2 nhóm này, liên quan đến 3 nội dung: Tuyên truyền giáo dục, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Hải Trung trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội chiều 11/12 |
Về kết quả xử lý vi phạm, năm 2024, Công an TP đã xử lý hành vi không chấp hành tín hiệu đèn đỏ, đi ngược chiều, phương tiện ô tô kinh doanh dừng đỗ trái phép, trong đó: Không chấp hành 8.421 trường hợp, tăng 1.811 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023; đi vào đường cấm, đường một chiều 9.591 trường hợp, tăng 2.714 trường hợp cùng kỳ 2023.
Phương tiện ô tô kinh doanh dừng, đỗ đón trả khách không đúng quy định, trong tháng 11/2024, Công an thành phố đã kiểm tra, xử lý 13.291 trường hợp. Trong đó có 10.282 trường hợp vi phạm dừng, đỗ và 450 trường hợp đón, trả khách sai quy định, phạt tiền 9.72 tỷ đồng, tăng 1.090 trường hợp cùng kỳ năm 2023.
Theo Giám đốc Công an TP Hà Nội, nhóm học sinh, thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông, lạng lách, đua xe, đánh võng, mang theo hung khí, trong năm 2024, Công an thành phố xử lý 129 vụ với hơn 1.000 trường hợp, tăng hơn 30% cùng kỳ năm 2023. Đây là vấn đề nhức nhối không chỉ của Hà Nội mà của toàn quốc.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
“Chúng ta đã tích cực triển khai nhưng chưa triệt để. Để giải quyết vấn đề này, Công an thành phố đã thành lập mô hình tổ chức 141 mới, với 54 tổ tại các quận, huyện. Các tổ 141 mới được xác định là nòng cốt trong giải quyết vấn đề này”, ông Nguyễn Hải Trung cho biết.
Các đại biểu HĐND TP tại kỳ họp chiều 11/12 |
Đối với nhóm học sinh vi phạm, trong 11 tháng năm 2024 đã xử lý 17.185 trường hợp, phạt tiền 8.447 tỷ đồng, tạm giữ 7.882 phương tiện. Số lượng xử lý này ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An cao nhất cả nước, tuy nhiên vẫn còn chưa triệt để. Năm 2024, Công an thành phố đã tích cực, chủ động, nỗ lực xử lý, đã thành lập 10 tổ công tác có sự tham gia của các lực lượng.
Nguyên nhân do ý thức người tham gia giao thông, hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, chưa tương thích với sự gia tăng về số người và số phương tiện tham gia. Lực lượng Cảnh sát giao thông còn mỏng. Ứng dụng công nghệ điều hành, xử lý vi phạm giao thông còn hạn chế. Một số quy định pháp luật chưa phù hợp, khó áp dụng vào xử lý…
Về giải pháp, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác tuyên tuyền giáo dục pháp luật, văn hóa giao thông, nâng cao ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông; nghiên cứu đổi mới tổ chức và phương thức tuần tra, kiểm soát trật tự giao thông theo hướng phân cấp cho Công an cấp quận, huyện để giải quyết ngay những vấn đề từ cơ sở. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền, quản lý và xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Hải Trung kiến nghị, cần phát triển hạ tầng giao đồng bộ với số người và phương tiện tham gia giao thông, được tổ chức một cách hợp lý, khoa học; hạn chế phương tiện cá nhân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án giao thông thông minh một cách thiết thực, hiệu quả.