Những người “giữ lửa” nghề truyền thống
Phụ nữ Thủ đô sáng tạo, nỗ lực phát triển làng nghề truyền thống |
Làng nghề thêu Dũng Tiến
Từ khi còn bé xíu, chị Nguyễn Thị Thanh Hoa (thôn Cổ Chất, xã Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội) đã được ông bà, bố mẹ cầm tay hướng dẫn thêu từng chi tiết nhỏ. Càng ngày chị càng thấy đam mê, tình yêu nghề truyền thống cũng lớn dần lên giúp chị tạo ra những chiếc áo dài thêu tuyệt đẹp.
Chị Hoa sinh ra và lớn lên xã Dũng Tiến, nơi có nghề thêu hình thành cách đây khoảng gần 400 năm. Từ đó đến nay, nghề thêu đã phát triển và có mặt khắp nơi trong cả nước, sản phẩm được ứng dụng rất nhiều trong đời sống, trở thành một phần trong văn hóa của người Việt.
Một sản phẩm thêu tay do chị Hoa thực hiện |
Cũng như những người thợ Dũng Tiến khác, bằng đôi bàn tay khéo léo, chị Hoa đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của hồn dân tộc để tạo nên những tác phẩm rực rỡ, sinh động. Chỉ cần vẽ phác những đường mẫu trên vải bằng phấn mờ là chị có thể cầm kim thêu một cách dễ dàng.
Không chỉ giỏi thêu tay nghệ thuật, chị Hoa còn năng động trong làm kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chị đầu tư máy thêu, hình thành nên những xưởng sản xuất quy mô, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều lao động. Xưởng sản xuất gia đình chị Hoa luôn có 4 công nhân làm việc, còn lại phần đông nhận việc về nhà làm.
Chị Hoa chia sẻ: “Từ khi lên 7, lên 8, mình đã được ông bà, bố mẹ dạy cho cách thêu. Lớp thế hệ này truyền thế hệ kia, giúp nghề thêu trong xã ngày càng phát triển. Hiện nay, các sản phẩm của gia đình mình đã có mặt khắp cả nước, góp phần giữ gìn và quảng bá nét tinh hoa làng nghề”.
Sản phẩm áo dài thêu tay của gia đình chị hoa được nhiều người ưa chuộng |
Xưởng sản xuất của gia đình chị Hoa có nhiều mặt hàng thêu may thời trang như áo dài cách tân, áo dài truyền thống… đa dạng mẫu mã và kiểu cách mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng.
Năm 2021, gia đình chị Hoa được UBND thành phố Hà Nội trao chứng nhận OCOP 4 sao cho 3 sản phẩm: Áo dài cổ trò thêu hoa phù dung; Áo dài thêu đôi uyên ương; Áo dài nam thêu hình họa tiết.
Đưa lược sừng đi muôn mơi
Thụy Ứng là một trong bốn làng của xã Hòa Bình, nổi tiếng với nghề làm lược sừng khắp cả nước và đã đi vào ca dao. Nghề làm lược sừng ở Thụy Ứng được ra đời cách ngày nay khoảng trên 400 năm và được nhiều gia đình gìn giữ, trong đó có nghệ nhân Nguyễn Văn Sử.
Khởi đầu chỉ là một người bán hàng rong, những chiếc lược sừng được anh Sử mang đi các tỉnh trong Nam ngoài Bắc bán dạo. Hồi đó, sản phẩm từ sừng của Thụy Ứng chỉ dừng lại ở mặt hàng lược chải đầu, những chiếc lược giản dị, chưa trạm trổ hoa văn cầu kỳ, thẩm mỹ như bây giờ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử với các sản phẩm làm từ sừng |
Thời kỳ hội nhập, sản phẩm làng nghề độc đáo được người nước ngoài hết sức ưa chuộng. Là người đi đây đi đó, nắm bắt được nhu cầu này, anh Sử đã về làng, mở rộng quy mô sản xuất theo thị hiếu của khách. Không chỉ có lược, một loạt những sản phẩm khác từ sừng được chế tác.
Đến nay, gia đình anh cung cấp sản phẩm làm từ sừng cho trung tâm thương mại, du lịch tại Hà Nội và các tỉnh. Nguồn sừng trong nước không đủ sản xuất, anh Sử còn nhập sừng nguyên liệu từ Lào, Thái Lan, Campuchia và các nước châu Phi, có cả sừng linh dương.
Anh Sử cho biết: “Sừng thô mua chỉ vài chục nghìn/kg nhưng qua bàn tay tài hoa của những người thợ làng nghề Thụy Ứng, những cặp sừng có trị giá lên đến hàng chục triệu. Điều quan trọng là bí quyết chế tác. Những sản phẩm mỹ nghệ từ sừng được các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Mỹ đặc biệt ưa chuộng do được làm hoàn toàn thủ công”.
Quyết tâm mang sản phẩm làng nghề đi khắp thế giới, nghệ nhân Nguyễn Văn Sử đang nung nấu xây dựng một thương hiệu riêng cho mình. Anh cũng mở rộng thị trường để mang những sản phẩm độc đáo đến tay người tiêu dùng.
Đó cũng là lý do anh tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Năm 2021, gia đình anh có 5 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận đạt OCOP 4 sao gồm: Bình hoa bằng sừng hình cô gái dân tộc Việt Nam; Bộ trang sức thời trang bằng sừng; Lược sừng cách điệu phong cách âu; Lược sừng chuôi hình cá; Lược sừng hình cô gái Việt Nam.
Vì thế, ngày càng có nhiều người biết đến những sản phẩm độc đáo của làng nghề Thụy Ứng cũng như của gia đình anh Sử.