Những người trẻ mang lại giá trị cho rác
Những người trẻ nhiệt huyết… Ngày hội thanh niên: Niềm tự hào của những người trẻ tuổi Những người trẻ ưu tú được kết nạp Đảng nhân dịp sinh nhật Bác |
“Phù phép” cho những chiếc vỏ mì tôm
Theo Hiệp hội mì ăn liền Thế giới, tính từ năm 2020 đến 2023, Việt Nam luôn được xếp vào top 3 quốc gia có tổng sản lượng tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới. Trung bình ở Việt Nam 1 người/1 năm thải ra môi trường 81 vỏ mì. Như vậy với dân số nước ta là hơn 99 triệu người thì lượng rác thải vỏ mì ra môi trường là một con số quá lớn. Trong khi đó, đa số vỏ mì tôm lại là loại rác khó phân hủy.
Những sản phẩm thủ công có tính nghệ thuật được biến hóa từ vỏ mì tôm |
Đó cũng chính là động lực để một người yêu môi trường như bạn trẻ Vũ Thị Thảo thành lập dự án “Mì tôm xanh” với mong muốn đem lại giá trị cho rác, từ đó lan tỏa hành trình sống xanh đến mọi người.
Câu lạc bộ Mì tôm xanh chính là nơi mà cô trò trường THPT Vinschool Times city (Hà Nội) sử dụng vỏ mì tôm thông qua kĩ thuật mây tre đan truyền thống của Việt Nam để tạo nên những sản phẩm thủ công vô cùng bắt mắt và hữu dụng như: nón đội đầu, vòng tay, hoa tai, vật dụng trong gia đình, đồ dùng cá nhân…
Là người sáng lập dự án Mì tôm xanh, chị Vũ Thị Thảo chia sẻ: “Tôi rất quan tâm đến vấn đề môi trường đặc biệt trong sinh hoạt. Tôi và gia đình luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ, sử dụng túi dùng nhiều lần, không dùng túi nilon.
Không chỉ mong muốn mang kiến thức trên giảng đường cho học sinh của mình mà tôi còn muốn trang bị cho các con kiến thức về cuộc sống, xã hội để làm sao sống có trách nhiệm với cộng đồng, giảm thiểu rác, bảo vệ môi trường, sống có ý nghĩa, bảo vệ người yếu thế”, chị Thảo tiết lộ lý do thành lập dự án.
Chị Vũ Thị Thảo hướng dẫn các học trò đan sản phẩm từ những cuộn vỏ mì tôm |
Đặc biệt, là người con của làng nghề mây tre đan huyện Phú Xuyên, Hà Nội, chị Vũ Thị Thảo càng khao khát gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. “Tôi muốn mang nghề phát triển bền vững nhưng sáng tạo hơn bằng việc sử dụng công thức mây tre đan áp dụng lên nguyên liệu vỏ mì tôm. Việc làm này không chỉ rèn phẩm chất kỹ năng tốt, giúp học sinh tỉ mỉ, sống chan hòa, đây cũng là cách đề các con tìm hiểu về làng nghề truyền thống, mây tre đan của chúng ta”.
Đan nên câu chuyện tử tế về môi trường
Dưới đôi bàn tay khéo léo của các bạn trẻ cùng sự hướng dẫn tận tình của cô giáo Vũ Thị Thảo, những vỏ mì tôm đã trở lại với một diện mạo mới, là các sản phẩm lan tỏa giá trị bền vững cho môi trường và mang vẻ đẹp của văn hóa thủ công truyền thống.
Để đan vỏ mì tôm, người làm kết hợp công thức làng nghề truyền thống với sự sáng tạo mang tính nghệ thuật |
Chia sẻ về quy trình biến những vỏ mì tôm thô đến món đồ nghệ thuật, em Nguyễn Thanh Nga - thành viên dự án Mì tôm xanh bật mí: “Bước đầu tiên thu gom, lau dọn, cắt thành sợi nhỏ sau đó cuộn lại thành phẩm và đan”.
Theo chia sẻ của các thành viên, công đoạn khó nhất là cuộn vỏ mì, vì chất liệu khác nhau, sau đó phải kết dài các sợi khác nhau đó lại. Vỏ mì có nhiều sắc màu nên có thể dùng mặt ngoài hoặc sử dụng mặt bên trong để tạo màu bạc. Để tạo ra sản phẩm đẹp, ngoài việc áp dụng kỹ thuật đan của làng nghề mây tre đan, các bạn trẻ còn có sự sáng tạo rất riêng, mang đến sự khác biệt, độc đáo, hiện đại.
Em Nguyễn Hương Ly - Quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Chiếc nón được làm từ vỏ mì tôm rất đẹp. Em vô cùng thích cách họ phối màu từ vỏ mì, em không thể nghĩ những vỏ mì tôm sẽ thành sản phẩm hữu dụng như thế này, mọi người thấy rất thời trang, màu sắc và phá cách”.
Dự án Mì tôm xanh truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ |
Không chỉ quy tụ những bạn trẻ ở khắp Hà Nội, nhóm còn kết nối với các địa phương để "gieo mơ xanh" và lan tỏa giá trị nhân văn một cách bền vững
Chị Vũ Thị Thảo - Sáng lập dự án Mì tôm xanh định hướng dự án sẽ hoạt động tích cực tại trường, lan tỏa giá trị tích cực đến thế hệ trẻ. Mì tôm xanh sẽ dạy nghề cho người yêu thích ở các tỉnh thành. Từ đó giúp họ vừa có công việc ổn định, vừa bảo vệ môi trường.
Mỗi sản phẩm của dự án Mỳ tôm xanh giống như đang đan cài từng sợi yêu thương, đan càng nhiều thì tình yêu thương trao nhau càng lớn. Và cứ thế, “Mỳ tôm xanh” cùng những câu chuyện tử tế về môi trường, về giá trị văn hóa truyền thống đang từng giờ, từng ngày len lỏi, dần dần làm thay đổi ý thức của mỗi người theo chiều hướng tích cực hơn.