Những “ông chủ” giàu từ… dám nghĩ, dám làm
Hà Nội đề xuất giải pháp để cán bộ dám nghĩ, dám làm tạo bứt phá trong công việc |
Mang nghề mới về làng
Với suy nghĩ nếu đưa nghề về làng có thể tạo việc làm cho nhiều lao động khác, đảng viên trẻ Dương Văn Hải (ở Kim Thư, Thanh Oai, Hà Nội) đã quyết định xây dựng nhà xưởng sản xuất nội thất bàn, ghế nhựa giả mây. Hiện cơ sở của anh tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 5 - 10 triệu đồng mỗi tháng.
Anh Hải sinh ra trong một gia đình thuần nông ở thôn Đoàn Kết, xã Kim Thư. Tốt nghiệp THPT anh xin đi làm công nhân và được nhận vào làm cho một công ty về sản xuất nội thất bàn, ghế nhựa tại phường Biên Giang (quận Hà Đông, Hà Nội).
Công nhân sản xuất sản phẩm nhựa giả mây tại cơ sở của anh Dương Văn Hải |
Năm năm gắn bó với công ty giúp anh Hải nắm vững kỹ thuật và nhận ra các sản phẩm nhựa giả mây được nhiều khách hàng yêu thích. Một ưu điểm nữa của mô hình này là tạo được việc làm cho nhiều người lao động. “Quê mình từ xưa được nhiều người biết đến có nghề làm vòng nón cung cấp cho làng Chuông, xã Phương Trung (xã làm nón nổi tiếng ở Thanh Oai, Hà Nội). Tuy nhiên, theo năm tháng, nghề dần mai một khiến nhiều gia đình chỉ biết trông vào cây lúa. Vì vậy, mình muốn đưa nghề làm bàn, ghế nhựa giải mây về làng để tạo việc làm cho những lao động khác”, anh Hải tâm sự.
Nghĩ là làm, anh Hải trở về quê quyết tâm khởi nghiệp dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Không vốn, không mặt bằng, nhân công phải đào tạo từ đầu… Với số tiền ít ỏi tích lũy được, anh phải vay mượn thêm, thuê gần 400m2 diện tích nhà xưởng làm cơ sở sản xuất nội thất bàn, ghế nhựa giả mây.
Theo anh Hải, xu thế của người tiêu dùng hiện nay là sử dụng các sản phẩm nội thất tốt, rẻ, bền, đẹp, thân thiện với môi trường. Vì vậy, khi quyết định thực hiện mô hình, chàng trai trẻ đã tìm hiểu các quy định của Nhà nước về việc thành lập hộ kinh doanh cá thể, đồng thời cam kết bảo vệ môi trường.
Sản phẩm nhựa giả mây do cơ sở của anh Dương Văn Hải sản xuất |
Chú trọng chất lượng nên các các sản phẩm do cơ sở của anh Hải sản xuất đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và được khách hàng tin dùng. Doanh số bán hàng của cơ sở năm 2022 đạt gần 6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí và nộp thuế anh lợi nhuận từ 5 - 7%. Hiện mô hình của anh tạo việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập trung bình từ 5 - 10 triệu đồng mỗi tháng.
Tạo hướng đi riêng
Chị Nguyễn Thị Huyền (ở xã Đồng Tháp, Đan Phượng, Hà Nội) cũng khiến nhiều người nể phục bởi sự dám nghĩ, dám làm. Câu chuyện khởi sự kinh doanh với sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng của chị bắt nguồn từ chính thực tế gia đình.
Chị Huyền kể: “Năm 2017, mình sinh con nhưng lại không đủ sữa cho bé. Mình được những người xung quanh mách nên ăn các loại thức ăn dinh dưỡng để có đủ sữa cho con. Vì vậy, mình đã mày mò tự làm ngũ cốc dinh dưỡng để bồi bổ sức khỏe cho bản thân, đồng thời đạt mong muốn có đủ sữa cho con”.
Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ thương hiệu bột ngũ cốc BonBi |
Sau một thời gian dùng ngũ cốc dinh dưỡng, chị Huyền nhận thấy hiệu quả rất tốt nên quyết định làm nhiều chia sẻ với những người xung quanh và nhận được phản hồi tích cực.
Theo y học dân gian và hiện đại, nguồn thực phẩm từ thiên nhiên rất giàu giá trị dinh dưỡng, đặc biệt đối với sức khỏe con người.
Trong đó phải kể đến tác dụng tuyệt vời của bột ngũ cốc dinh dưỡng mang lại: Thích hợp sử dụng cho mọi người, kể cả trẻ nhỏ hay người già, vận động viên, phụ nữ mang thai hay bệnh nhân bị tiểu đường; Bổ sung hàm lượng protein và năng lượng lớn; Chứa nhiều dinh dưỡng như sắt bổ máu, chất béo, vitamin; Giàu chất xơ hỗ trợ tiêu hóa, giảm cholesterol xấu, có lợi cho tim mạch, chống lão hóa…
Từ đó, chị Huyền nảy sinh ý tưởng sản xuất và kinh doanh bột ngũ cốc dinh dưỡng với thương hiệu BonBi, tên hai đứa con của chị. Để tạo ra sản phẩm bột ngũ cốc chất lượng, chị Huyền sử dụng các loại hạt giàu dinh dưỡng như: Hạt óc chó, hạnh nhân, hạt điều… Đây là những loại hạt rất giàu chất béo có lợi cho tim và nhiều chất chống oxy hóa. Hơn nữa, người thường xuyên ăn các loại hạt này có thể cải thiện sức khỏe não bộ và giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư. Những loại hạt này dễ dàng kết hợp vào chế độ ăn uống vì chúng có thể tự ăn hoặc thêm vào nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng BonBi |
Mỗi ngày, cơ sở của chị xuất bán hơn 100 hộp ngũ cốc dinh dưỡng, một tháng tiêu thụ từ 1,5 - 2 tấn bột dinh dưỡng. Hiện sản phẩm được tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và đã được chị Huyền đưa vào chuỗi các cửa hàng, tạp hóa, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Góp sức xây dựng quê hương
Có công việc ổn định với mức thu nhập cao nhưng anh Bùi Văn Phúc (ở xã Nam Tiến, Phú Xuyên, Hà Nội) lại quyết định từ bỏ về quê nuôi bò 3B. Quyết định này của anh khiến người thân phản đối, làng xóm xì xào, thậm chí có người bảo anh “bị điên”. Bởi đây là giống bò mới, giá của một con giống nhỏ đã gần 30 triệu đồng bằng một con bò đỏ trưởng thành.
Anh Phúc vốn là công nhân của một công ty nước ngoài với mức thu nhập lên đến mấy chục triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, cứ làm mãi một công việc khiến anh thấy nhàm chán. Anh luôn mơ ước có thể tự làm điều gì đó riêng cho bản thân. Vốn yêu thích chăn nuôi từ nhỏ nên anh nghĩ đến việc về quê lập nghiệp.
Anh Bùi Văn Phúc, chủ mô hình nuôi bò 3B |
Anh tham khảo nhiều mô hình như nuôi dúi, đà điểu… và quyết định nuôi thử nghiệm bò 3B. Để đảm bảo cho mô hình thành công, anh ngược xuôi khắp các tỉnh thành. Ở đâu có mô hình chăn nuôi bò hiệu quả là anh tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Anh cũng tự mày mò nghiên cứu trên sách vở và qua trải nghiệm thực tế đã quyết định đưa giống bò 3B về địa phương.
Ban đầu anh nuôi thử nghiệm 10 con bò 3B, thấy hiệu quả nên năm 2019, anh quyết định nghỉ hẳn việc ở công ty trở về quê để mở trang trại nuôi bò. Một lần nữa anh vấp phải sự phản đối kịch liệt của của gia đình, nhất là bố anh.
“Mình vẫn nhớ câu nói của bố: “Bố nuôi bò từ nhỏ làm gì có công mà mày lại quay về đâm đầu vào con bò". Mình biết bố giận vì lo và thương mình. Tuy nhiên, mình đã quyết nên nhất định phải làm”, anh Phúc tâm sự.
Vạn sự khởi đầu nan, ngoài nguồn vốn anh Phúc còn thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì bền bỉ, anh dần đưa mô hình vào hoạt động ổn định.
Theo anh Phúc, giống bò này có nhiều ưu điểm vượt trội như: Thích ứng với môi trường, sức đề kháng tốt, ngoại hình đẹp, ít dịch bệnh, tăng trọng nhanh... Nguồn thức ăn cho bò chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp đơn giản, dễ tìm như rơm rạ, cỏ kết hợp vỗ béo bằng cám cò, cám lợn, cám gạo…
Mỗi con bò giống có giá từ 24 - 25 triệu đồng, sau khoảng 8 - 10 tháng đã có thể xuất bán. Giá bán ra tùy thuộc vào trọng lượng, thể trạng của từng con nhưng không dưới 50 triệu đồng/con. Đến khi xuất bán mỗi con đạt trọng lượng 500 - 600kg, cao gấp 2 lần so với giống bò thông thường
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi của anh Phúc, nhiều hộ gia đình đến học hỏi và làm theo. Vì thế, anh đã nhân rộng giống bò 3B tại trang trại. Đặc biệt, anh cẩn thận, tỉ mỉ giúp bà con chọn những con giống tốt hướng dẫn cách chăm sóc và trị bệnh hiệu quả.
Hiện nay, trang trại của anh Phúc đang cung cấp bò giống, bao thu mua bò thương phẩm. Anh cũng hỗ trợ kỹ thuật miễn phí cho tất cả các đàn bò được trang trại cấp giống trên khắp các tỉnh thành miền Bắc.
“Những gì mình đạt được mới chỉ là thành công bước đầu. Mình sẽ phải nỗ lực nhiều hơn. Mục tiêu thời gian tới của mình là từng bước mở rộng quy mô trang trại, tạo hiệu quả trong chăn nuôi cũng như hỗ trợ các hộ nông dân khác cùng phát triển”, anh Phúc tâm sự.