Những trải nghiệm mới trong ngành làm đẹp thế giới
“Cơn ác mộng” của ngành làm đẹp tại xứ sở cờ hoa Hậu Covid-19, ngành làm đẹp Việt Nam có thực sự “trỗi dậy”? |
Từ camera thông minh…
Châu Á dẫn đầu thế giới về chụp ảnh selfie, theo báo cáo của tạp chí Time. Đáng ngạc nhiên hơn, hơn một nửa số người dùng phương tiện truyền thông xã hội trên thế giới ở Châu Á. Vì thế, văn hóa selfie đã nổi trội đến nỗi họ ám ảnh về việc có được bức ảnh selfie hoàn hảo của mình.
Công nghệ AR đang góp phần tạo ra xu thế tăng cường trải nghiệm cho khách hàng trong thế giới ảo, quyết định hành vi mua sắm |
Với chế độ chụp hình ảnh khuôn mặt bằng camera chất lượng cao, người dùng có thể tự trang điểm bằng bút cảm ứng và áp dụng vào hình ảnh kỹ thuật số khuôn mặt mình. Bên cạnh ứng dụng selfie, thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường và một cái chổi kỹ thuật số, bạn có thể tự kẻ mắt với đường nét hoàn hảo hoặc tô lớp son màu như ý cho đôi môi. Đó là những công dụng của trang điểm ảo trên chính khuôn mặt bạn. Từ đó, bạn có thể chọn những sản phẩm làm đẹp phù hợp với phong cách và khuôn mặt đặc trưng của mình.
Tại một hội chợ thương mại điện tử và công nghệ thông tin lớn nhất Nhật Bản, hãng Panasonic đã giới thiệu công cụ cho phép người dùng tự trang điểm cho mình như những chuyên gia make-up chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đây không phải là một công cụ kỹ thuật số được thiết kế dành cho người mua sắm thương mại điện tử bởi hầu hết khách hàng đều thử trước khi mua hoặc lựa chọn sản phẩm đã quen dùng trước đó. Thay vào đó, các thiết bị trang điểm kỹ thuật số này giúp trải nghiệm các sản phẩm và màu sắc dự định trên mạng sau đó họ sẽ đến lựa chọn tại các store.
Công cụ này được thiết kế cho các chuyên gia ngành công nghiệp làm đẹp hoặc được sử dụng để đào tạo kỹ thuật trang điểm tại các studio ảnh, địa điểm tổ chức đám cưới hoặc trường thẩm mỹ. Từ đó, các chuyên gia không phải thực hiện trên các người mẫu thật mà vẫn có thể chia sẻ tầm nhìn, phong cách và kinh nghiệm đối với các học viên.
Các hãng đang tìm cách khắc phục chất lượng camera và ánh sáng kém để thể hiện chân thực nhất màu da, quầng thâm và thậm chí là thể hiện rõ ràng lỗ chân lông |
Hợp tác với Microsoft, hãng Shiseido cũng giới thiệu một thiết bị thực tế ảo tương tự. Ứng dụng Telebeauty của Shiseido hướng đến giới nữ công sở nhằm mục đích giúp họ làm đẹp trong khi quỹ thời gian rất ít. Với bốn phong cách trang điểm để lựa chọn: Tự nhiên, nữ tính, thời trang và sexy, phần mềm tự động phát hiện các đặc điểm đặc trưng trên khuôn mặt, sau đó người dùng có thể tự trang điểm trên khuôn mặt ảo, tạo ấn tượng như đang trang điểm thật trên mặt mình. Ứng dụng này tiện lợi đến mức, ngay cả khi người dùng di chuyển, hình ảnh trang điểm ảo vẫn giữ nguyên… Điều này tương tự như phong cách của các cô nàng bận rộn, vừa đi vừa tranh thủ dặm lại son môi, thoa nhẹ chút phấn hồng.
Theo hãng Shiseido, ứng dụng này giúp người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm phù hợp nhanh chóng hoặc mua sắm mạng. Đặc biệt, các hãng đang tìm cách khắc phục chất lượng camera và ánh sáng kém để thể hiện chân thực nhất màu da, quầng thâm và thậm chí là thể hiện rõ ràng lỗ chân lông. Việc này nhằm mục đích hỗ trợ những phụ nữ bận rộn theo đuổi sự nghiệp có thể tự trang điểm cho mình cũng như lựa chọn được sản phẩm phù hợp từ xa mà không phải đến các salon trải nghiệm thực tế.
Hãng Meitu đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới đã thêm một tính năng gọi là Counter, cho phép người dùng ứng dụng Makeup Plus thử nghiệm hầu hết các mỹ phẩm mới ra mắt. Ngoài ra, công ty phát triển ứng dụng này đã hợp tác với hơn 80 thương hiệu hàng đầu thế giới, trong đó có Estée Lauder và L'Oréal. Với lượng người dùng khổng lồ, Makeup Plus đã nổi lên như một cách quảng cáo mới cho các thương hiệu muốn tương tác với khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới.
… đến chiếc gương thần kỳ
Không giống như các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh, gương tương lai của Panasonic lại có một cách tương tác với người sử dụng đặc biệt hơn. Đây là một chiếc gương kỹ thuật số đi kèm với một máy in lớp trang điểm siêu mỏng có chứa phấn nền và kem che khuyết điểm, giống như cách bạn xăm hình tạm thời.
Một chiếc gương tư vấn kỹ thuật số cho người tiêu dùng |
Shiseido cũng đã ra mắt một chiếc gương tư vấn kỹ thuật số tại store trong khu phức hợp Tokyo Six ở Tokyo. Rất được ca ngợi tại thị trường làm đẹp Nhật Bản, chiếc gương có hệ thống bảng điều khiển cảm ứng cho phép người mua hàng quét khuôn mặt để kiểm tra da, truy cập dữ liệu tại nhà bằng mã QR Code… Sau khi ra mắt tại Nhật Bản, Shiseido đã có kế hoạch nâng cấp quầy mỹ phẩm kỹ thuật số này trên khắp thế giới.
Store Aritaum của Amorepacific ở Seoul (Hàn Quốc) cũng có các thiết bị công nghệ thực tế ảo tăng cường như vậy. Ở đây, khách hàng được cung cấp dịch vụ cá nhân hóa, tư vấn chi tiết về da miễn phí, cho phép dùng thử các sản phẩm trang điểm hàng đầu thế giới bằng máy tính bảng được liên kết với ứng dụng di động của thương hiệu.
"Gương thần" giúp người dùng dễ dàng phối đồ như ý |
“Chơi lớn” trong cuộc đua ứng dụng công nghệ AR có lẽ phải kể đến L’Oreal. Tập đoàn mỹ phẩm này đã mua ModiFace (Canada) để công ty này phát triển độc quyền ứng dụng AR cho ngành làm đẹp. ModiFace sở hữu các phần mềm có tích hợp AR để tăng sự trải nghiệm, tương tác với ngành làm đẹp. Đơn cử như Face AI là phần mềm để phân tích đặc điểm khuôn mặt trên các thiết bị di động.
Face AI cho phép khách hàng chính xác hóa các đặc điểm của khuôn mặt như môi, mắt, nét mặt, da… Sau khi người dùng thao tác theo Face AI, chức năng quảng cáo cho sản phẩm sẽ được tiếp tục. Khi đó, người dùng có thể tìm hiểu về sản phẩm và mua nếu thích. L’Oréal cũng sử dụng Magic Mirror (gương kỹ thuật số) để khách hàng trang điểm ảo, trước khi chọn mỹ phẩm. Hiện nay, các cửa hàng của L’Oréal ở nhiều quốc gia ứng dụng Magic Mirror khá phổ biến.
Ngày càng xuất hiện nhiều ứng dụng thiên về trải nghiệm ảo cho khách hàng |
Innisfree, một thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc đã bắt tay với Alibaba để đưa AR có trong Magic Mirror tới một cửa hàng ở Hàng Châu (Trung Quốc). Hãng mỹ phẩm nổi tiếng với những sản phẩm 100% chiết xuất từ thiên nhiên đã tận dụng công nghệ để bán hàng tại thị trường đông dân Trung Quốc. Điều đó cũng hé mở một điều: Các hãng mỹ phẩm luôn khai mở thị trường tại các quốc gia có dân số trẻ, nhu cầu làm đẹp lớn. Trong đó, các hãng đã không bỏ qua những ứng dụng thông minh, hợp mốt của công nghệ, điển hình là AR. Việc tận dụng “tính cách mạng” của công nghệ đối với ngành làm đẹp vẫn là câu chuyện đang tiếp diễn trên toàn cầu.
Mặc dù tiềm năng của các ứng dụng làm đẹp ảo rất lớn nhưng thay đổi thói quen làm đẹp hằng ngày của người tiêu dùng hiện đại không phải dễ do vẫn còn trong giai đoạn đầu, mới lạ. Những ứng dụng này thiên về trải nghiệm nhiều hơn và nhằm mục đích chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội để quảng cáo sản phẩm thay vì mong muốn cho khách hàng thử nghiệm trang điểm thực sự. Cuối cùng, không có gì thực tế hơn khi người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm trực tiếp và biết chắc chắn những sản phẩm mình mua thực sự phù hợp.