Quy hoạch Thủ đô thời kỳ mới: Nâng cao giá trị của đô thị trung tâm
Quy hoạch đúng, Hà Nội sẽ phát huy vai trò đầu tàu, lan tỏa, dẫn dắt phát triển |
Duy trì mô hình chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 đã trở thành công cụ quan trọng cho công tác xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội từ năm 2011 đến nay.
Trải qua hơn 10 năm thực hiện, Quy hoạch đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, vướng mắc, đặt ra những yêu cầu mới cho công tác quy hoạch và phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2011 đã xác định Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm: Khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố).
Theo PGS.TS.KTS Lương Tú Quyên, Giảng viên Khoa Quy hoạch đô thị - nông thôn, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đến nay, Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội năm 2011 đã bộc lộ các tồn tại.
5 đô thị vệ tinh theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (Đồ hoạ: Tiến Thành) |
Theo đó, tỷ lệ đô thị hóa chưa đạt mục tiêu đề ra. Quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo. Mô hình phát triển chùm đô thị chưa đạt được yêu cầu. Phát triển đô thị chưa đồng đều và chưa tương xứng với tiềm năng. Tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm.
Bên cạnh đó, việc định hướng quy hoạch giao thông, quy hoạch sử dụng đất tại một số khu vực chưa phù hợp với thực tế, khó khả thi trong việc triển khai. Công tác di dời theo định hướng quy hoạch còn chậm; ảnh hưởng đến quỹ đất xây dựng bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ gặp nhiều khó khăn vướng mắc, không đảm bảo yêu cầu đặt ra;
Ngoài ra, việc phát triển đô thị còn phân tán, dàn trải. Kết cấu hạ tầng đô thị chưa đồng bộ, chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị hiện đại. Giao thông công cộng đô thị chưa được đầu tư xây dựng theo định hướng của quy hoạch, mô hình TOD chưa thể triển khai do nhiều bất cập trong điều kiện triển khai thực tế. Công tác đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung. Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn chậm.
Giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, để khắc phục những hạn chế và đạt được các mục tiêu nêu trên, Quy hoạch Thủ đô giai đoạn mới cần kế thừa và tiếp tục duy trì mô hình chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm. Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô và quốc gia.
Khu vực đô thị trung tâm được xác định là khu vực đô thị đặc biệt gồm các quận và các thành phố theo từng giai đoạn; Từng bước đô thị hóa các huyện ngoại thành theo lộ trình lên thị xã, thành phố và thành lập quận đối với các khu vực đô thị tập trung, tránh đô thị hóa vào các nêm xanh, vành đai xanh; Phát triển mạng lưới đa trung tâm theo mô hình đa cực; Hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế để tạo nên động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng.
Theo PGS.TS.KTS Lương Tú Quyên, áp dụng mô hình đô thị vệ tinh để chia sẻ chức năng và giảm tải cho đô thị trung tâm, từng bước hình thành đô thị với đầy đủ chức năng để người dân, người lao động, chuyên gia sinh sống làm việc tại chỗ. Trước mắt, TP cần tập trung phát triển cho Hòa Lạc, Đông Anh, Mê Linh; Có thể giảm quy mô của Xuân Mai, Sơn Tây, Sóc Sơn. Phát triển đô thị Phú Xuyên trở thành đô thị công nghiệp, gắn với sân bay; Đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Nam, đầu mối của các hành lang giao thông quốc gia; Duy trì mô hình đô thị sinh thái với mục tiêu phát triển cân bằng giữa khu làng hiện hữu và các khu phát triển mới.
Các đô thị sinh thái như: Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn tiếp tục kế thừa định hướng Quy hoạch chung thành phố Hà Nội năm 2011; Phát triển đúng quy mô của một trung tâm đầu não hành chính cấp huyện, là hạt nhân quản lý và nâng tầm giá trị nông nghiệp của địa phương, trở thành mắt xích của mạng lưới đô thị Thủ đô, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, hỗ trợ tiện ích cho khu vực ngoại thị.
PGS.TS.KTS Lương Tú Quyên cho rằng cần tiếp tục duy trì vành đai xanh, hành lang xanh, nêm xanh lồng ghép với khu vực đô thị nhằm mục đích cân bằng sinh quyển, cân bằng vi khí hậu và cân bằng chất lượng không khí, tăng cường khả năng tự làm sạch của đô thị; Bảo đảm sự liên tục, tạo vành đai phát triển đa dạng sinh học, tiến tới xây dựng thành phố hài hòa, bình đẳng với môi trường thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng trong đô thị.
Đối với hệ thống nông thôn, cần phát triển theo chương trình nông thôn mới, hình thành các cụm công nghiệp văn hóa gắn với phát triển làng nghề truyền thống, phát triển kinh tế, phục vụ du lịch, phát triển nông nghiệp đặc sản, công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với chuỗi dịch vụ phục vụ đô thị và xuất khẩu.
Hướng vào các nhiệm vụ trọng tâm
Theo PGS.TS.KTS Lương Tú Quyên, quy hoạch Thủ đô phải thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Quy hoạch phải cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng đối với Thủ đô Hà Nội... phát triển liên kết vùng để xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Bắc (vùng đồng bằng sông Hồng), trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, việc rà soát, đánh giá thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 và các quy hoạch chuyên ngành đã được duyệt để xác định các nội dung còn phù hợp, kế thừa phát triển; Xác định các tồn tại, vướng mắc để nghiên cứu điều chỉnh và các vấn đề còn thiếu, chưa phù hợp để nghiên cứu bổ sung; Nghiên cứu, cập nhật những chủ trương, định hướng quan trọng của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan đến phạm vi Thủ đô.
Khu vực phía Tây Hà Nội (Ảnh: Thùy Chi) |
Ngoài ra, dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, dự báo phát triển dân số, lao động, phát triển kinh tế - xã hội và phân bố dân cư cho các khu vực, làm cơ sở điều chỉnh các giải pháp quy hoạch về sử dụng đất, không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội.
TP cần kế thừa mô hình cấu trúc phát triển, các định hướng chiến lược của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011, quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, rà soát điều chỉnh các giải pháp quy hoạch cụ thể như:Pphát triển đô thị vệ tinh, hành lang xanh, vành đai xanh, di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, trường học, bệnh viện và bố trí hệ thống trung tâm chức năng... để phù hợp với điều kiện hiện trạng, bối cảnh phát triển mới và đảm bảo khả thi trong phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, TP cần nghiên cứu các giải pháp quy hoạch phát triển các khu vực cụ thể như: trục không gian sông Hồng, không gian phát triển đô thị hai bên đường vành đai 4, mô hình phát triển thành phố trong Thủ đô, mô hình phát triển TOD tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng, phương án bố trí sân bay quốc tế thứ hai của Vùng Thủ đô tại Hà Nội.
Thống nhất, đồng bộ về dữ liệu dự báo, định hướng phát triển và những nội dung liên thông, tích hợp với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành khác đang được triển khai lập đồng thời.
Quy hoạch chung thành phố Hà Nội năm 2011 đã tạo dựng được tầm vóc của Thủ đô phù hợp với các yêu cầu kinh tế, xã hội, văn hóa và khoa học kỹ thuật trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Theo PGS.TS.KTS Lương Tú Quyên, quy hoạch Thủ đô thời kỳ tiếp theo đòi hỏi phải tạo bước chuyển có tính đột phá mới cho thành phố để đạt được mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển như Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định: Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Bên cạnh các giải pháp sáng tạo đổi mới, Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030 cũng cần chú trọng kế thừa các giá trị cốt lõi của Quy hoạch thời kỳ trước (Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội phê duyệt năm 2011), nhất là mô hình và cấu trúc phát triển không gian; Tăng cường và nâng cao giá trị của đô thị trung tâm, mở rộng quy mô diện tích và tăng cường chức năng cho các đô thị vệ tinh, hành lang xanh, liên kết chặt chẽ với thành phố cảng Hải Phòng… đảm bảo Thủ đô vừa đạt được vị thế và tầm cao mới, vừa phát triển ổn định, liên tục và bền vững, tiếp nối và kế thừa tinh hoa của Thăng Long - Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.