Sẵn sàng bước chân vào thế giới việc làm thật từ các hoạt động ảo
Một phiên cố vấn nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn diễn ra vào tháng 6/2021 |
Trong Bảng xếp hạng QS mới nhất về khả năng được tuyển dụng của sinh viên ra trường, Đại học RMIT tiếp tục củng cố vị thế của mình với vị trí thứ 74 và góp mặt trong nhóm 100 trường đại học hàng đầu toàn cầu năm thứ năm liên tiếp.
Tại Việt Nam, tỉ lệ chuyển đổi từ việc làm thực tập sang việc làm toàn thời gian của sinh viên RMIT có thể dao động từ 65% đến 90% ở một số lĩnh vực, theo thông tin từ Trưởng phòng cấp cao phụ trách khu vực của phòng Hướng nghiệp, Cựu sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp Đại học RMIT Manuela Spiga.
Bà Spiga nhấn mạnh nỗ lực đem đến các hoạt động hướng nghiệp trực tuyến cho sinh viên là “một phần trong hướng tiếp cận tổng quát của RMIT nhằm đưa toàn bộ trải nghiệm về trường đại học, chứ không chỉ hoạt động dạy và học, lên trực tuyến cho sinh viên”.
Bà Spiga chia sẻ: “Ưu tiên của chúng tôi là chuẩn bị cho sinh viên trong suốt hành trình đại học của các em ngay từ ngày đầu nhập học. Các hoạt động này bao gồm những dự án dựa trên thực tế từ các ngành với mốc thời gian và sản phẩm bàn giao dự án mô phỏng môi trường làm việc thực tế, các chuyến tham quan công ty, diễn giả khách mời từ mọi ngành nghề, chương trình thực tập và hơn thế nữa”.
Bà Spiga không xem đại dịch và giãn cách xã hội là trở ngại, mà xem đây như “một cơ hội tuyệt vời để đổi mới hoạt động của phòng và gắn kết với sinh viên”.
“Toàn bộ các hoạt động chính mà nhà trường thường tổ chức trực tiếp hiện đều được đem lên trực tuyến. Thế giới ảo không đường biên giới cho chúng tôi cơ hội mời diễn giả đến từ bất kỳ nơi nào trên thế giới. Điều này cho sinh viên RMIT ngay tại Việt Nam cơ hội được tiếp xúc và tương tác với nhiều sinh viên và đối tác quốc tế trong các ngành nghề nhiều hơn”, bà Spiga nói.
Sinh viên thích thú khi thăm viếng Job Shop ảo |
Bà Spiga chia sẻ thành công của chương trình Cố vấn nghề nghiệp như một ví dụ về những gì bà vừa trình bày.
“Chương trình Cố vấn nghề nghiệp RMIT luôn theo định hướng số, nơi sinh viên có cơ hội được tham vấn bởi hơn 350 cố vấn nghề nghiệp hoạt động tích cực ở nhiều ngành nghề khác nhau.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2018, chúng tôi đã giúp ghép hơn 700 cặp cố vấn và sinh viên, và bắt đầu chứng kiến nhiều sinh viên hình thành kết nối trực tuyến với cố vấn ở Singapore, Melbourne, châu Âu, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Hàn Quốc”, bà nói.
Năm ngoái, phòng đã sáp nhập hai chương trình ở các cơ sở tại Việt Nam và Singapore vào làm một nhằm đem đến trải nghiệm học liên văn hoá sâu sắc hơn cho sinh viên. Cuối năm 2020, loạt chương trình mới ra mắt - Cố vấn ảo hoả tốc - đã gặt hái nhiều thành công hơn so với ban đầu .
“Hơn 400 sinh viên từ cả cơ sở Việt Nam và Singapore tham gia vào trải nghiệm cố vấn nghề nghiệp nhóm với hơn 80 cố vấn trên khắp thế giới đến từ 12 ngành nghề khác nhau. Chúng tôi vô cùng vui mừng khi chứng kiến cả sinh viên và cố vấn ngày càng có sự chuẩn bị tốt hơn để tham gia vào các cuộc hội thoại nghề nghiệp trực tuyến với hành xử số tương thích”, bà Spiga cho biết..
Job Shop, một không gian học tập nơi phòng Hướng nghiệp tổ chức các buổi thông tin và hỗ trợ cho sinh viên ở cả cơ sở Nam Sài Gòn và Hà Nội, còn thu hút nhiều sinh viên đăng nhập vào và tham gia các hoạt động hơn khi chuyển qua hình thức trực tuyến.
Bà Spiga thông tin: “Chỉ riêng tháng 7, chúng tôi chào đón 2.000 chuyến viếng thăm trực tuyến. Gần đây, Student Council (Hội Sinh viên RMIT) đã tổ chức một sự kiện đặc biệt tại Job Shop để tôn vinh văn hoá Hàn Quốc nhằm đem nhiều hoạt động vui vẻ và đa dạng đến không gian ảo này”.
Ứng dụng chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân có tiếng của nhà trường chuyên trang bị các kỹ năng mềm cũng nâng cao được vị thế trong thời gian đại dịch diễn ra.
“Kể từ khi ra mắt năm 2018, hơn 5.700 sinh viên đã tham gia các khoá huấn luyện kỹ năng thực tế, các buổi chia sẻ nhóm và tham quan công ty nhằm phát triển kỹ năng tìm việc làm. Khi tốt nghiệp, sinh viên có thể công bố hồ sơ năng lực số gồm những gì họ tích luỹ được từ chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân nhằm nêu bật kinh nghiệm với nhà tuyển dụng tương lai”, àb Spiga cho biết.
Có 33 công ty và hơn 350 vị trí tuyển dụng tại Ngày hội tuyển dụng trực tuyến vừa diễn ra vào đầu tháng 9/2021 |
Bạn Trần Quỳnh Phương, Đại sứ chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân và sinh viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, đã chia sẻ về lợi ích của việc tham gia vào nhiều hoạt động trong thời gian học tại RMIT.
Bạn cho biết: “Bộ kỹ năng từ chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân mà tôi bồi đắp được qua những năm ở RMIT giúp tôi chứng minh năng lực trước nhà tuyển dụng tương lai. Nhờ những kỹ năng này, tôi tự tin hơn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ hay tìm việc và ứng tuyển cho các vị trí thực tập”.
Phương có được vị trí thực tập tại một khách sạn 5 sao ở TP Hồ Chí Minh nhờ những kết nối mà cô tạo dựng được sau khi tham gia vào nhiều hoạt động, trong đó có Ngày hội trải nghiệm, Ngày hội đa văn hoá và Tuần lễ Hoàn thiện kỹ năng cá nhân.
Một trong những hoạt động tiêu biểu của trường - Ngày hội tuyển dụng - đã chuyển sang trực tuyến lần đầu tiên vào năm ngoái do đại dịch. Sự kiện này đã nhận được nhiều phản hồi rất tích cực từ cả doanh nghiệp lẫn sinh viên.
Bà Spiga cho biết trước khi Việt Nam bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 mới nhất, phòng Hướng nghiệp đã lên kế hoạch tổ chức Ngày hội tuyển dụng trực tuyến hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến.
“Covid đã cho chúng tôi lý do chuyển sang tổ chức trực tuyến hoàn toàn một lần nữa. Có 33 công ty và hơn 350 vị trí tuyển dụng tại ngày hội”, bà Spiga chia sẻ về Ngày hội tuyển dụng trực tuyến lần thứ hai vừa diễn ra vào đầu tháng này.
Bà Spiga nhấn mạnh rằng: “Đại học RMIT vẫn tiếp tục tìm kiếm những cách mới để số hoá các chương trình nhằm tuỳ chỉnh các hoạt động tốt hơn, cho phép sinh viên vượt trội, cũng như sẵn sàng và đủ tư chất cạnh tranh trong môi trường làm việc không ngừng thay đổi”.