SEA Games 31: Chất xúc tác gắn kết kinh tế Việt Nam - ASEAN
Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ mang đến những màn trình diễn hoành tráng, ấn tượng Hà Nội đã sẵn sàng "tỏa sáng" cùng SEA Games 31 Những “cánh én nhỏ” góp sức cùng SEA Games 31 |
Gắn kết thể thao mở rộng hợp tác kinh tế
Theo Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), từ sau 15/3, sau gần 2 tháng thực thi chủ trương mở cửa lại du lịch quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, thị trường đã phục hồi ấn tượng song các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn cả khách quan và chủ quan, bao gồm một số rào cản kỹ thuật trong các quy trình, quy định, khâu tổ chức thực thi.
Về khách quan, cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraina gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch do mất thị trường du khách tại hai quốc gia này; khó khăn cho việc đi lại của du khách nhiều nước tới Việt Nam và đẩy giá thành các chuyến du lịch tăng cao.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số nguyên nhân khác như thu nhập khả dụng của du khách bị giảm và làm giảm sự tự tin của khách về an ninh, an toàn khi đi du lịch.
Về chủ quan, qua ý kiến chuyên gia và phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch, hàng không, thời điểm mở cửa rơi vào cuối mùa cao điểm của du lịch inbound - khách quốc tế (thường từ tháng 10 năm trước đến tháng hết 3 năm sau) và thiếu sự chuẩn bị cần thiết.
Ngành du lịch có lợi thế lớn nhất dịp SEA Games 31 |
Theo Ban IV, mặc dù Chính phủ có tuyên bố mở cửa du lịch quốc tế chính thức từ ngày 15/3/2022, đi kèm từng bước nới lỏng về quy định y tế đối với du khách nhập cảnh vào Việt Nam sau đó, tuy nhiên các hoạt động truyền thông và xúc tiến cho du lịch Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức.
Mặt khác, việc truyền thông và cung cấp thông tin cho các đối tác quốc tế đang chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện một cách riêng lẻ, phụ thuộc vào năng lực và mối liên hệ của từng doanh nghiệp.
Cùng với một số trở ngại, khó khăn khác, theo Ban IV, để đạt được mục tiêu kỳ vọng đón được trên 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam năm 2022, góp phần giúp du lịch, hàng không và nền kinh tế Việt Nam nói chung có sự bứt phá đáng kể sau bối cảnh đại dịch, chúng ta cần lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra quốc tế.
Đồng thời, chúng ta cần chủ động, đổi mới hình thức, đa dạng hóa các thị trường nguồn để tiếp thị, quảng bá du lịch; Chú trọng hợp tác công - tư trong các chiến dịch truyền thông quốc tế đặc biệt tìm cơ chế phát huy mạnh mẽ vai trò của các Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số nước (như Anh, Úc - đã được TAB và các doanh nghiệp du lịch chủ động phát triển bước đầu).
Bên cạnh đó, Ban IV cũng kiến nghị giảm bớt giấy tờ và thủ tục với các doanh nghiệp lữ hành hoặc trực tiếp với du khách, đơn giản hóa thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu để phát huy hiệu quả hơn nữa các hình thức thị thực này.
Đặc biệt, chúng ta cần phải tăng cường hoạt động e-marketing (quảng bá) và cần gắn kết các sự kiện có ý nghĩa như Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2021 (SEA Games 31) trong các chiến dịch truyền thông để lan tỏa hình ảnh, văn hóa, giá trị nổi bật của Việt Nam tới du khách các nước.
Chất xúc tác SEA Games 31
Theo đại diện một số doanh nghiệp, nhân sự kiện SEA Games 31, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm quà tặng du lịch đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa người Việt Nam để dành tặng cho các đoàn đại biểu, vận động viên và phóng viên quốc tế tham dự SEA Games 31.
SEA Games 31 là chất xúc tác giúp nền kinh tế Việt Nam - ASEAN phát triển bền vững |
Bên cạnh đó là việc xây dựng các tour du lịch đặc sắc quảng bá điểm đến đối với các đoàn vận động viên, phóng viên báo chí và du khách quốc tế từ đó kích thích tiềm năng kinh tế, du lịch và mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trong khu vực và thế giới.
Thực tế, kể từ khi bắt đầu tham gia SEA Games từ năm 1989 ở Malaysia đến nay đã trở thành nhịp cầu vững chắc kết nối Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN không chỉ về lĩnh vực thể thao mà đặc biệt còn là sự gắn kết thương mại, phát triển kinh tế - xã hội.
SEA Games 31 được tổ chức tại 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội để 12 địa phương phát triển kinh tế - xã hội và còn là cơ hội của các địa phương khác của cả nước, thậm chí là cả khối ASEAN, bởi “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” ("For a stronger Southeast Asia") chính là khẩu hiệu của SEA Games 31 mà Việt Nam đăng cai tổ chức.
Nhiều chuyên gia đánh giá, SEA Games 31 là cơ hội để các nước trong khối ASEAN tiếp tục "nắm tay nhau" phục hồi nền kinh tế sau thời gian bị COVID-19 tàn phá nặng nề.
Thực tế, đại dịch COVID-19 đã khiến cho nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp các nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với ASEAN vẫn tăng trưởng và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam nói riêng và của khu vực nói chung.
Các báo cáo cho thấy, ASEAN luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và khu vực thị trường này không ngừng phát triển trong các năm qua và đạt được các thành tựu đáng kể.
Theo thống kê, năm 2020, dưới các ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN đạt 53,6 tỷ USD, giảm 6,8% so với năm 2019. Mặc dù vậy, sang năm 2021, thương mại đã phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng, trong đó, Việt Nam nhập siêu từ ASEAN 12 tỷ USD trong năm 2021, tăng 63,1% so với năm 2020.
Nói như vậy để thấy, từ SEA Games 31, cơ hội để các nước tiếp tục mở rộng quan hệ, hợp tác phát triển kinh tế là rất rộng mở, từ thể thao gắn kết để phát triển kinh tế không chỉ Việt Nam với các nước ASEAN mà nhiều quốc gia khác trên thế giới.