Sinh viên Bách khoa chế tạo thiết bị hỗ trợ giám sát truyền dịch
Hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hiện các dự án khởi nghiệp |
“Thiết bị hỗ trợ giám sát truyền dịch trong y tế kết hợp phần mềm quản lý dữ liệu điều trị” là một trong những dự án được đánh giá rất cao tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2021 (SV START-UP 2021) do Trung ương Đoàn phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Dự án này của nhóm BK307 gồm 5 thành viên đến từ Phòng thí nghiệm quang cơ điện tử – Lab.307, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nhóm bạn trẻ trình bày dự án tại cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” |
Theo nhóm bạn trẻ, truyền dịch - một trong những phương pháp điều trị điển hình và phổ biến, cần sự theo dõi sát sao từ đội ngũ y tế tại mọi bệnh viện. Hiện nay, nhân lực về y tế vẫn còn ít, riêng việc giám sát truyền dịch có thể gây quá tải đến y bác sĩ. Từ thực tế trên, thiết bị hỗ trợ theo dõi tốc độ truyền dịch, cảnh báo kịp thời đến y, bác sĩ khi hết bình hoặc gặp những sự cố khi truyền dịch, kết hợp với phần mềm quản lý dữ liệu điều trị đã được nhóm nghiên cứu và phát triển thành công.
Sản phẩm của nhóm bạn trẻ không chỉ kế thừa ý tưởng từ một số chức năng của thiết bị bơm truyền dịch (theo dõi tốc độ truyền dịch, hỗ trợ cảnh báo nhân viên y tế khi sắp hết bình hoặc gặp những sự cố khác) mà còn có nhiều tính sáng tạo, tính mới. Đặc biệt, thiết bị có những chức năng chưa sản phẩm nào có trên thị trường.
Với việc sử dụng cảm biến hồng ngoại phát hiện giọt rơi trong bầu nhỏ giọt, sản phẩm có tính an toàn cao khi không tiếp xúc với dung dịch như cảm biến lưu lượng, áp suất. Nhiều thiết bị trong một khu vực sẽ được liên kết với nhau thông qua phần mềm tích hợp trên máy chủ và điện thoại của y bác sĩ.
Đại diện của nhóm giới thiệu về thiết bị hỗ trợ truyền dịch |
Thông qua tài khoản khách trên app, người nhà bệnh nhân cũng thể theo dõi quá trình điều trị. Thiết bị thể hiện được tính tiện dụng khi nhỏ gọn, dễ dàng lắp đặt, app và webserver được thiết kế với giao diện thân thiện, dễ thao tác, phát huy được vai trò hỗ trợ y bác sĩ trong quá trình điều trị.
“Với nhiều tính năng nổi bật thiết bị giúp một bác sĩ, điều dưỡng có thể chăm sóc cho nhiều bệnh nhân cùng một lúc, tiết kiệm thời gian, sức lực và trên hết là bảo đảm an toàn cho bệnh nhân. Điểm mạnh của sản phẩm còn ở chỗ, nó thích hợp với điều kiện môi trường, khí hậu làm việc khác nhau, kết nối được với nhiều thiết bị thông minh và tiết kiệm năng lượng”, Trưởng nhóm Vũ Danh Tiến giải thích.
Tiến cho biết thêm, ý tưởng ra đời thiết bị xuất phát từ chính yêu cầu thực tiễn. Từ tháng 3/2020, dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, y, bác sĩ tại tuyến đầu phải chịu áp lực rất lớn. Tất cả bệnh nhân COVID-19 đều phải cách ly và không có người thân chăm sóc nên các bệnh viện phải cần nhiều y, bác sĩ hơn.
Sản phẩm của nhóm bạn trẻ sẽ giúp giảm tải áp lực cho nhân viên y tế |
Mặt khác, khi bệnh nhân truyền dịch, người thân cũng phải theo dõi quá trình truyền. Từ thực tế này, nhóm đã đưa ra ý tưởng sản xuất một sản phẩm giám sát truyền dịch, nhằm giảm vất vả cho y, bác sĩ, bệnh nhân và người nhà.
Tuy nhiên, biến ý tưởng thành thực tế khiến nhóm gặp nhiều khó khăn. May mắn, nhóm nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ tận tình của các thầy cô trong trường. Sau gần một năm miệt mài nghiên cứu, với nhiều đêm không ngủ, nhóm bạn trẻ đã chế tạo thành công “Thiết bị hỗ trợ giám sát truyền dịch trong y tế kết hợp phần mềm quản lý dữ liệu điều trị”.
Sản phẩm có giá thành cạnh tranh với thiết bị nước ngoài, phù hợp để trang bị cho nhiều cơ sở y tế. Nhờ việc làm chủ công nghệ và phát minh bởi chính người Việt, sản phẩm rất thuận tiện trong việc bảo dưỡng, thay thế và nâng cấp, trong khi thị trường về thiết bị y tế đang phụ thuộc phần lớn vào các sản phẩm nhập ngoại.
Đặc biệt, sản phẩm được tạo ra với chức năng hỗ trợ y bác sĩ, không can thiệp vào quá trình điều trị. Hiện nay thiết bị đã được nhóm bạn trẻ thử nghiệm thành công và dự kiến có sản phẩm thương mại vào cuối năm 2022.