Sinh viên có đang lạm dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập?
Trí tuệ nhân tạo - thách thức và cơ hội với báo chí Nở rộ các nhóm về trí tuệ nhân tạo AI thu hút giới trẻ |
Với khả năng tiếp cận thông tin khổng lồ và các công cụ học tập thông minh, AI đã và đang mang đến nhiều lợi ích cho sinh viên.
Công cụ hỗ trợ đắc lực
Là ngôi trường đặc thù tiếp xúc với ngoại ngữ hàng ngày, bạn Thu Hương, sinh viên năm cuối Đại học Ngoại ngữ cho rằng bản thân thường dùng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ dịch và tìm tài liệu quốc tế. AI khiến cho việc học tập trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. “Mình thường xuyên sử dụng trí tuệ nhân tạo để dịch các tài liệu nghiên cứu và bài báo khoa học. Công cụ này đã giúp mình tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức”, Thu Hương cho hay.
Bạn Khuất Bảo Ngọc, sinh viên năm cuối chuyên ngành Báo mạng điện tử tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thường sử dụng công cụ ChatGPT để hỗ trợ việc học tập. Bảo Ngọc nói: “Có những bài luận, dùng trí tuệ nhân tạo đã giúp mình cải thiện kĩ năng viết cũng như cung cấp thông tin một cách nhanh chóng”.
Nhiều bạn sinh viên tìm hiểu kiến thức thông qua công cụ AI |
Còn Phương Nhi, sinh viên năm hai chuyên ngành Báo Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Bản thân tôi từng sử dụng AI (cụ thể là phần mềm ChatGPT) khi làm một số bài tập nhỏ khi giáo viên yêu cầu tìm thông tin nhanh ngay tại lớp. Tôi đánh giá cao sự hiệu quả cũng như nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo đem lại khi chỉ 1-2 giây đã có một câu trả lời hoàn chỉnh và đầy đủ cho một bài tập cơ bản”.
Định hướng đúng với thực tế
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục và học tập. Tuy nhiên, việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Một trong số đó là mất đi sự cống hiến và nỗ lực cá nhân. Khi sử dụng AI để làm bài tập hay làm bài kiểm tra, sinh viên có thể bỏ qua quá trình tìm hiểu và tự suy nghĩ, dẫn đến việc họ không thực sự nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên mà còn ảnh hưởng đến phát triển cá nhân và sự chuẩn bị cho công việc sau này.
Theo TS. Hoàng Thị Mai, Trưởng khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, công nghệ AI giúp các bạn học sinh, sinh viên có thể nhanh chóng tìm được phương án giải quyết vấn đề, tiết kiệm thời gian, công sức. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ học tập cá nhân hoá (phù hợp đặc điểm, nhu cầu,… của từng người học).
Tuy nhiên, mặt hạn chế khi sử dụng AI để học tập là làm giảm khả năng tư duy độc lập của người dùng, dẫn đến việc phụ thuộc vào AI, từ đó làm giảm kỹ năng giải quyết vấn đề, giảm tư duy phê phán. Ngoài ra, sinh viên lạm dụng AI trong học tập sẽ dẫn đến thiếu hiểu biết sâu sắc, hạn chế kỹ năng nghiên cứu: có thể học sinh, sinh viên chỉ hiểu trên bề mặt, thiếu kỹ năng đánh giá thông tin.
Phụ thuộc quá mức quá mức vào công nghệ, các bạn học sinh, sinh viên sẽ bị hạn chế khả năng tự học khi không còn AI trợ giúp, hạn chế khả năng tương tác xã hội…
Để hạn chế sinh viên sử dụng công nghệ AI trong làm bài tập, giáo viên luôn đổi mới phương pháp giảng dạy (ảnh minh hoạ) |
Để hạn chế việc sinh viên lạm dụng AI trong học tập, TS. Hoàng Thị Mai cho rằng, các thầy cô nên điều chỉnh phương pháp đánh giá như: Tăng cường các bài kiểm tra tại lớp, không cho phép học trò sử dụng thiết bị điện tử; thiết kế các bài tập đòi hỏi tư duy phản biện và sáng tạo, khó để AI thay thế. Ngoài ra, cần đánh giá học sinh, sinh viên theo quá trình, không nên đánh giá kết quả cuối cùng.
Thầy cô cũng nên tăng cường hình thức tổ chức dạy học cộng tác, thảo luận, dự án; Khuyến khích học sinh trình bày ý tưởng và lý giải cách thức giải quyết vấn đề của mình; Cá nhân hoá nội dung học tập như: giao các nhiệm vụ cần huy động kinh nghiệm cá nhân hoặc quan sát trực tiếp của học sinh, sinh viên. Yêu cầu học trò liên hệ nội dung học với cuộc sống cá nhân; Phát triển kỹ năng tổng hợp, phân tích và đánh giá nguồn thông tin cho học sinh.
Nhiều trường đại học cũng đã đưa ra giải pháp như ứng dụng công nghệ và đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo đó giảng viên luôn sáng tạo những câu hỏi đòi hỏi sinh phải biện luận cho việc đúng hay sai, điều này AI không làm được. Hoặc cũng có thể người dạy đưa ra những bài toán không có lời giải bắt buộc sinh viên phải suy nghĩ, hay những bài giải cần tư duy logic thì máy tính sẽ không thực hiện được bởi AI chỉ thực hiện trả lời đúng hoặc sai.
Trí tuệ nhân tạo có thể mang lại những lợi ích đáng kể cho việc học tập hiện nay. Tuy nhiên, việc sử dụng AI trong học tập cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh mất đi sáng tạo cá nhân và gây ra sự không công bằng. Đồng thời, cần phát huy vai trò của thầy, cô giáo, giảng viên trong quá trình giảng dạy để có thể phát hiện và tìm ra phương pháp hạn chế sinh viên sử dụng AI trong học và làm bài tập.