Sớm ban hành Thông tư Sữa học đường trong tháng 9
Bài liên quan
Bộ Y tế “tiền hậu bất nhất” trong việc chậm trễ ban hành Thông tư Sữa học đường?
Vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng cho việc chậm ban hành Thông tư Sữa học đường?
Việc ban hành Thông tư Quy định sữa học đường vướng mắc phải chăng vì lợi ích nhóm?
DN sữa đồng thuận, vì sao Bộ Y tế không ban hành quy chuẩn cho sữa học đường?
Đây là thông tin được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2019, về các thông tin vì sao Bộ Y tế chậm trễ trong việc ban hành Thông tư về Sữa học đường và cơ sở pháp lý của việc bổ sung 21 vi chất dinh dưỡng vào Sữa học đường.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Chương trình Sữa học đường được Chính phủ phê duyệt ngày 8-7-2016 và sau hai tháng, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5450 quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi trong Chương trình. Sau đó Bộ Y tế đã gửi nhiều văn bản đến các địa phương để thực hiện Quyết định 5450.
Cho đến hiện tại, đã có gần 20 tỉnh, thành phố đưa Chương trình Sữa học đường vào thực hiện, các tỉnh khó khăn như Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn vẫn dành một phần kinh phí của địa phương thực hiện chương trình.
Cho đến nay, việc triển khai Quyết định 5450 đã có cơ sở để địa phương quan tâm, thực hiện Chương trình Sữa học đường dựa vào đó lựa chọn các loại sữa bảo đảm chất lượng cho Chương trình. Trong thời gian chờ đợi Thông tư ban hành, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình.
Về quá trình xây dựng Thông tư, từ 2017, Bộ Y tế đã giao các đơn vị chuẩn bị dự thảo ban hành Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên quá trình này không thể làm ngắn gọn được vì liên quan đến việc bổ sung 21 vi chất theo đề nghị của Viện Dinh dưỡng. Việc bổ sung vi chất này đòi hỏi có cơ sở khoa học, nghiên cứu để đánh giá tác dụng của các loại vi chất này với sức khoẻ của “lứa tuổi vàng”. Trải qua một thời gian lấy ý kiến, ngày 22-8-2019, Bộ Y tế đã làm việc với các doanh nghiệp sữa, Hiệp hội Dinh dưỡng, Hiệp hội Thực phẩm chức năng…
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bày tỏ quan điểm: Bộ Y tế khi ban hành văn bản quản lý Nhà nước sẽ hướng đến quyền lợi của người dân, tính khoa học, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi. Chương trình Sữa học đường phải mang lại tính an toàn, hiệu quả của sản phẩm.
Bộ Y tế ủng hộ chủ trương bổ sung vi chất vào sản phẩm sữa sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và sẽ sớm ban hành Thông tư trong tháng 9-2019. Theo Thông tư này, sản phẩm sữa tươi có hai loại được ưu tiên là sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng. Còn hai nhóm sữa tươi thanh trùng không được lựa chọn bởi thời gian bảo quản không bảo đảm với khu vực vùng sâu, vùng xa.
Về vi chất, Bộ Y tế đã giao Viện Dinh dưỡng có báo cáo cấp Bộ về vấn đề này. Nếu đến thời điểm ban hành Thông tư vẫn chưa có báo cáo, dữ liệu khoa học chứng nhận được tác động có lợi của 21 vi chất thì Bộ Y tế vẫn ban hành Thông tư, trước mắt bổ sung ba vi chất nằm trong Quyết định 1300 của Thủ tướng là vi chất sắt, canxi và vitamin D. Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục giao Viện Dinh dưỡng nghiên cứu các vi chất còn lại để bổ sung vào sau.
Tiếp theo, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ ngành, các ban của Quốc hội để tổng hợp, thống kê, đánh giá toàn bộ Chương trình Sữa học đường.