Sớm hoàn thiện và triển khai Nghị quyết về công nghiệp văn hóa một cách căn cơ, bài bản
Chiều 16/12, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" đã chủ trì hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo mở rộng nhằm đánh giá kết quả công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ trong tâm năm 2022.
Cùng dự có các đồng chí : Bùi Huyền Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP và các tành viên Ban Chỉ đạo.
Quang cảnh hội nghị |
15/18 chỉ tiêu đạt yêu cầu
Theo báo cáo tại hội nghị, ngay sau khi Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy được ban hành, toàn thành phố với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm đã chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, chỉ đạo, giải quyết tốt các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.
Cụ thể, năm 2021, có 15/18 chỉ tiêu đạt kết quả theo yêu cầu tại Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND TP. Lĩnh vực văn hóa được quan tâm kịp thời, chỉ đạo điều chỉnh phù hợp với bối cảnh đại dịch COVID -19. Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 88/%; Tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa đạt 94,5%; Tỷ lệ Tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 72%...
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá được tập trung triển khai thực hiện; Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao được tổ chức hiệu quả, an toàn…Cùng với đó, các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch trong tình hình mới được tích cực triển khai.
TP đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục; Kịp thời triển khai dạy học trên truyền hình và các phương pháp giáo dục từ xa để đảm bảo tốt nhất chương trình học của học sinh và đảm bảo phòng, chống dịch...
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị |
Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ nhiều vấn đề còn tồn tại và có hướng giải quyết như: Dự án Hoàng Thành, Cổ Loa, Bảo tàng Hà Nội; Các thiết chế văn hóa, thể thao thành phố; Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và mô hình trường học tầm cỡ khu vực… Các cấp ủy cơ sở cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Đặc biệt, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình văn hóa tiêu biểu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả, sức lan toả của các bộ quy tắc ứng xử…
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm đầu tiên triển khai Chương trình số 06-CTr/TU. Song, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra tồn tại, nêu lên nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Cơ bản thống nhất với nhiệm vụ năm 2022 đã đề ra, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị các cấp, ngành cần quyết liệt, khẩn trương hơn trong triển khai Chương trình số 06-CTr/TU; Tăng cường công tác phối hợp; Chủ động triển khai nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành... đảm bảo thích ứng linh hoạt trước tình hình dịch COVID-19…
Đánh giá rõ hơn về những chuyển biến trong ý thức, trách nhiệm cộng đồng
Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 Nguyễn Văn Phong khẳng định, trong thời gian qua, Chương trình đã triển khai được khối lượng việc khá lớn, góp phần định hướng nhiệm vụ cho các năm tiếp theo.
Trong đó, việc Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Ban chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua, trở thành tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước ban hành một nghị quyết chuyên đề của cấp ủy về công nghiệp văn hóa. Điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của Ban chỉ đạo chương trình và các cấp ngành từ thành phố tới cơ sở.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Bổ sung vào kết quả đã đạt được, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng cần đánh giá rõ hơn về những chuyển biến trong ý thức, trách nhiệm cộng đồng thời gian qua, thông qua những việc làm phong phú, sinh động, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Cũng trong nhiệm kỳ này, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất cao, quyết tâm lớn, với những chủ trương, giải pháp, định hướng rõ rệt, nhằm tập trung cho 3 “trụ cột”, liên quan trực tiếp đến việc phát triển bền vững là “văn hóa - giáo dục - y tế”. Đây vừa là cơ hội cho Ban chỉ đạo Chương trình, đồng thời là trách nhiệm đối với xã hội, với thành phố, cần có quyết tâm cao, giải pháp đồng bộ, để triển khai một cách hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các Sở, ngành liên quan cập nhật, bổ sung ngay các quan điểm, chỉ đạo mới trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ vào quy hoạch phát triển văn hóa của thành phố; Tăng cường các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa trong nước và quốc tế; Rà soát, báo cáo sớm những dự án mang tính chất xã hội hóa, trên cơ sở đó có bức tranh tổng thể để có những chính sách, quy hoạch, giải pháp phù hợp huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa.
Phó Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh cần sớm hoàn thiện Nghị quyết về công nghiệp văn hóa. Song hành với nhiệm vụ này, các Sở, ngành cũng cần kịp thời, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết; Tổ chức triển khai một cách căn cơ, bài bản, rành mạch, rõ ràng nội dung Nghị quyết để từ thành phố tới cơ sở đều hiểu, nắm rõ định hướng, quan điểm của Thành ủy cũng như xác định tiềm năng, định hướng của từng địa phương;Từ đó tích cực, chủ động tham gia, thực hiện tốt Nghị quyết về công nghiệp văn hóa.
Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 06 cho biết, trong các giải pháp khơi dậy nguồn lực, thành phố đã có kế hoạch thành lập Quỹ về văn hóa; Tăng cường thu hút nguồn đầu tư xã hội cho các dự án văn hóa nghệ thuật; Chăm lo cho đời sống văn nghệ sĩ, nghệ nhân; Sửa chữa, phục dựng các cơ sở văn hóa…; Hoàn thiện kế hoạch thực hiện các cam kết với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO.
Đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rà soát, đánh giá, xác định thứ tự dự án ưu tiên, cũng như đề xuất cơ chế hỗ trợ đầu tư bài bản, phù hợp; Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin…, thích ứng với điều kiện dịch bệnh cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại toàn cầu hóa.