Sức mạnh mềm của OCOP
Nâng tầm giá trị sản phẩm
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP được triển khai tại Việt Nam từ năm 2018. Đây là chương trình phát triển kinh tế ở nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế, đặc biệt là những sản vật, làng nghề truyền thống của các vùng miền trên cả nước.
Từ khi triển khai đến nay, cả nước đã có 60 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận cho 4.759 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 2.610 chủ thể tham gia. Trong đó, 62,05% sản phẩm 3 sao, 36,22% sản phẩm 4 sao và 1,73% sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Mặc dù chương trình triển khai chưa lâu song các chủ thể đã tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đặc biệt là xây dựng thương hiệu, hình ảnh thông qua các “Câu chuyện sản phẩm”. Nhờ vậy, người tiêu dùng không chỉ biết về sản phẩm mà còn nắm được cả ý nghĩa, nguồn gốc cũng như thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng.
Mỗi sản phẩm OCOP đều mang trong mình một câu chuyện ý nghĩa thể hiện niềm tự hào của một vùng quê |
Chia sẻ về ý nghĩa của “Câu chuyện sản phẩm” trong việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: “Sản phẩm OCOP chính là các báu vật của từng làng quê. Chương trình có thể quy mô không lớn nhưng độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra từng sản phẩm. Đây chính là then chốt để sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thương trường”.
Đơn cử như sản phẩm nước mắm truyền thống Cát Hải của Hải Phòng không thể cạnh tranh về giá với nước chấm, nước mắm công nghiệp. Các hộ sản xuất nhỏ, kể cả hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ cũng không thể bỏ tiền để quảng cáo hàng ngày trên ti vi, đài báo. Quy mô sản xuất cũng khó đủ lượng để phủ tới hàng ngàn siêu thị trên cả nước. Do đó, OCOP phải khai thác tiếp cận thị trường theo một cách khác, đó là dựa vào chính sự đặc sắc có tính bản địa của sản phẩm. "Câu chuyện sản phẩm" chính là công cụ hiệu quả để thực hiện truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP.
Hay một cơ sở sản xuất trà ở Thái Nguyên phát triển sản phẩm mới gọi là Trà tứ quý. Xưa nay, ai cũng biết về thương hiệu trà Thái Nguyên nhưng với sản phẩm này cơ sở đã đẩy thêm một bậc nữa, đó là một bộ có 4 hộp trà, mỗi loại được thu hoạch vào một mùa trong năm: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Do vậy, mỗi hộp có hương vị đặc sắc riêng. Để làm được bộ trà này, chủ thể OCOP phải mất cả năm, với nhiều công phu, điều đó tạo nên tính mới, độc đáo và sự tò mò của khách hàng.
Do vậy, "Câu chuyện sản phẩm" không chỉ là thông điệp chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng nhằm thay đổi cảm xúc khi mua sắm sản phẩm, dịch vụ, mà có thể tạo nên thương hiệu của sản phẩm, mang đến suy nghĩ vượt ra ngoài tiện ích và chức năng của sản phẩm, dịch vụ.
Câu chuyện cổ tích về đất nước và con người Việt Nam
Còn rất nhiều "Câu chuyện sản phẩm" khác nữa đang được hoàn thiện. Với hàng vạn sản phẩm OCOP đang tạo nên một kho tàng cổ tích về đất nước và con người các dân tộc Việt Nam. Ở bất cứ cấp độ nào, việc này có giá trị bảo tồn văn hóa to lớn, tạo nên hình ảnh riêng cho các sản phẩm OCOP của mỗi vùng quê và của Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế.
Các chủ thể OCOP cần nghiên cứu, sáng tạo những câu chuyện hay, ý nghĩa, gắn với sản phẩm của mình |
Xây dựng "Câu chuyện sản phẩm" có thể giúp giá sản phẩm OCOP tăng lên nhiều lần; Muốn làm tốt phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, của cộng đồng về sản phẩm đó. Chỉ có chủ thể mới kể ra được lịch sử hình thành và phát triển sản phẩm như thế nào, có sự tích gì, nét văn hóa ra sao… Bên cạnh đó, các chủ thể rất cần chuyên gia hỗ trợ để có thể tìm ra những lợi thế của mỗi sản phẩm.
"Câu chuyện sản phẩm" phải có ý nghĩa, gần gũi, mộc mạc nhưng thể hiện được nét tinh túy, sự cầu kỳ trong chế biến từng sản phẩm. Mỗi câu chuyện không cần dài, chỉ ngắn gọn nhưng toát lên được cái hồn, cái cốt của sản phẩm và thể hiện được niềm tự hào của vùng quê ấy.
Đặc biệt, điều quan trọng nhất là mỗi câu chuyện về sản phẩm phải đúng sự thật. Rất nhiều sản phẩm OCOP hiện nay mắc lỗi ở thông tin in trên bao bì chưa đúng sự thật hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm định. "Câu chuyện sản phẩm" có thể sử dụng các câu chuyện huyền thoại, dân gian nhưng hiện nay rất nhiều sản phẩm được quảng bá vượt qua cả giá trị, công dụng thật của sản phẩm và cũng chưa được cấp có thẩm quyền nào xác nhận. Điều này ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của chính các chủ thể OCOP.