Tái hiện không gian văn hóa truyền thống trong “Ngày hội trò chơi dân gian”
Các cô giáo chụp ảnh lưu niệm tại gian hàng trưng bày đặc sản 3 miền |
Ngay từ sáng sớm, không gian hội chợ quê chưa bắt đầu diễn ra nhưng sân trường Tiểu học Dương Quang đã chật kín người. Hình ảnh cờ hoa rực rỡ, tiếng nhạc rộn ràng xen lẫn nụ cười hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ đã tạo nên một ngày hội xuân đầy náo nhiệt. Hội chợ như tái hiện lại bức tranh của phiên chợ quê truyền thống Việt Nam.
Từ sáng sớm các gian hàng đã được dựng lên và bày biện. Mỗi một gian hàng là sự đóng góp không nhỏ của các bậc phụ huynh, của thầy cô giáo cùng với sự góp sức của các em học sinh.
Học sinh lắng nghe diễn giả Nguyễn Văn Thanh chia sẻ về chủ đề “Lòng biết ơn” |
Hội chợ quê của trường Tiểu học Dương Quang được bắt đầu ngay sau diễn văn khai mạc của cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng nhà trường. Nhắn nhủ tới các bạn học sinh, cô Hoa mong muốn: “Hội chợ sẽ là sự trải nghiệm những điều thú vị, hấp dẫn với tất cả các con và là một buổi sinh hoạt ngoại khóa bổ ích, đưa các trò chơi dân gian đến gần hơn với các con học sinh”.
Tham gia hội chợ quê, các con học sinh có cơ hội lắng mình lại, cảm nhận được những giá trị về lòng biết ơn, hiểu rõ hơn về lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ, thầy cô.
Qua phần giao lưu cùng với diễn giả Nguyễn Văn Thanh - Nghiên cứu sinh, giảng viên chính, Phó Giám đốc TT Kỹ năng sống Văn Hóa Việt về chủ đề “Lòng biết ơn” đã đọng lại trong các con một cảm xúc không bao giờ quên.
Những giọt nước mắt của học sinh, của thầy cô, của phụ huynh đã rơi, đã lắng đọng với biết bao nhiêu là cảm xúc khó tả, từ đó các con sẽ nhận ra được rằng, bản thân cần phải học thật tốt, thật chăm ngoan... để không phụ lòng cha mẹ và thầy cô.
Những giọt nước mắt tuôn rơi khi nghe diễn giả nói về lòng biết ơn |
Dẫn các con học sinh dạo quanh các gian hàng, cô giáo Dương Thị Hồng - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Để tổ chức được Hội chợ quê với chủ đề “Ngày hội trò chơi dân gian”, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh đã có sự phối hợp, bỏ ra nhiều công sức để chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu trang trí, tổ chức các trò chơi, hoạt động trải nghiệm....
Tuy nhiên, khi thấy các con được hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống, được cảm nhận hương vị Tết cổ truyền, những phiên chợ quê, được tham gia các trò chơi dân gian, được học làm chuồn chuồn tre, đan lát truyền thống… thì mọi vất vả tan biến hết”.
Các học sinh được thoải mái tham quan, lựa chọn những món đồ tại phiên chợ quê |
Với 12 gian hàng tham gia hội chợ quê, các cô giáo và phụ huynh học sinh đã dồn hết tâm sức để trang trí rất đẹp mắt và khéo léo. Các mặt hàng trưng bày tại chợ quê cũng rất đa dạng và phong phú thu hút được lượng đông “thượng đế” tí hon ghé thăm.
Không gian hội chợ quê với dòng người hối hả đổ xô về các gian hàng cùng tiếng cười đùa tạo nên một không khí náo nhiệt.
Các thầy cô và học sinh được gặp gỡ ông đồ viết thư pháp |
Không chỉ có các gian hàng trưng bày các đặc sản 3 miền, hội chợ quê năm nay còn có thêm gian ông đồ viết chữ thư pháp, cùng nghệ nhân làm chuồn chuồn tre, nghệ nhân dạy mây tre đan…
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn chuẩn bị khu check-in đậm chất văn hoá truyền thống với cây đào, cây mai, cây quất, bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả… thu hút đông đảo các lớp, các thầy cô và các bậc phụ huynh tham gia và chụp ảnh lưu niệm.
Tham gia gian hàng này, các bạn học sinh sẽ được nghệ nhân giới thiệu về các sản phẩm thủ công gần gũi với cuộc sống hàng ngày như rổ, rá, mẹt… |
Cạnh bên không gian check-in, các thầy cô và các bạn học sinh được gặp gỡ với ông đồ viết chữ thư pháp. Hình ảnh ông Đồ bên bút lông và giấy đỏ đã được tái hiện thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam trong dịp Tết đến xuân về.
Đồng thời, hoạt động xin chữ cũng thể hiện truyền thống hiếu học, coi trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam. Hội chợ đã thực sự trở nên ấm áp, ý nghĩa hơn khi nét phong tục xưa được gìn giữ.
Hồ hởi cùng các bạn xin chữ ở gian thầy đồ, em Phạm Nhất Kiên (học sinh lớp 4D, Tiểu học Dương Quang) cho biết: “Con rất thích các hoạt động ở hội chợ. Đặc biệt ở gian ông đồ, con xin chữ hiếu thảo để mang về khoe với bố mẹ".
Kế bên đó chính là gian chợ quê với nghệ nhân ngồi đan lát những sản phẩm đặc trưng của người nông dân Việt Nam như thúng, mẹt, rổ, đó, giỏ tre… Tham gia gian hàng này, các học sinh sẽ được nghệ nhân giới thiệu về các sản phẩm thủ công, nguyên liệu để làm và hướng dẫn cách đan ra những sản phẩm gần gũi với cuộc sống hàng ngày.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tái hướng dẫn các con làm chuồn chuồn tre |
Đặc biệt, Ban Tổ chức cũng bố trí gian hàng dạy các con làm chuồn chuồn tre tự thăng bằng do chính nghệ nhân Nguyễn Văn Tái từ làng chuồn chuồn tre Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) hướng dẫn.
Trong khuôn khổ chương trình, các em học sinh còn được tham gia vô số các trò chơi dân gian như: Ô ăn quan, đập niêu, bịp mắt bắt vịt, đi cà kheo, đi cầu khỉ, kéo co, nhảy sạp, cờ vua, cờ tướng, tô tượng, ném bóng… Tất cả các trò chơi đều được sắp xếp kỹ càng để tất cả các em học sinh được trải nghiệm từ các trò trí tuệ đến thể lực.
Trò chơi đập niêu thu hút sự tham gia của đông đảo cô và trò |
Chờ đón con tham gia hội chợ, chị Nguyễn Thúy Quỳnh cho biết: “Tôi rất vui khi khi thấy nhà trường tổ chức hoạt động Hội chợ Xuân. Các con rất háo hức tham gia cùng các bạn. Tôi mong các con lớn lên sẽ biết trân trọng, tự hào về văn hóa truyền thống; biết chia sẻ, yêu thương mọi người xung quanh”.
Hội chợ ngày đầu xuân năm mới với nhiều trò chơi dân gian là một hoạt động giúp các em học sinh hiểu hơn về truyền thống của dân tộc, giúp các em thêm tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp. Hội chợ quê năm nay diễn ra ngay trong khuôn viên trường thu hút rất đông các em học sinh tham gia.
“Hội chợ quê - Ngày hội trò chơi dân gian” thực sự trở thành một sân chơi, một sự trải nghiệm đầy bổ ích và lý thú đối với học sinh |
Hoạt động trải nghiệm “Hội chợ quê - Ngày hội trò chơi dân gian” của trường Tiểu học Dương Quang thực sự trở thành một sân chơi, một sự trải nghiệm đầy bổ ích và lý thú đối với học sinh; đồng thời tạo sự gắn kết bền chặt giữa gia đình, nhà trường và xã hội để làm tốt hơn công tác giáo dục và rèn kỹ năng sống cho trẻ.
Những hình ảnh tại “Hội chợ quê - Ngày hội trò chơi dân gian”: