Tăng cường công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội nghị |
Thị trường lao động Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây về cả quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại hóa đầy đủ và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vừa qua thị trường lao động Việt Nam đã bị tác động nặng nề, có thời điểm nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng. Theo thống kê, có hơn 30 triệu lao động bị ảnh hưởng như mất việc làm, nghỉ việc luân phiên…
Theo đó, ngay từ đầu năm 2022 với các chính sách, giải pháp đồng bộ, kịp thời của nhà nước, thị trường lao động của Việt Nam đã dần phục hồi với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho biết, Việt Nam đang đối mặt với việc mất cân đối cung - cầu lao động giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề, chưa có đủ việc làm đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
Quang cảnh hội nghị |
Theo đó, cần tập trung truyền thông về những điểm mới của pháp luật, chính sách cập nhật, các chương trình về lĩnh vực việc làm; Các kết quả thực hiện chính sách, thành tựu, thách thức, bảo đảm tính chính xác của thông tin.
Nội dung thông tin cần bám sát vào các chính sách pháp luật, định hướng gợi mở của cơ quan chuyên môn (Cục Việc làm) và hoạt động tổ chức thực hiện các chủ đề chích sách hỗ trợ việc làm, thị trường lao động, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp.
Cùng với đó, xây dựng các thông điệp truyền thông và tuyên truyền về chính sách hỗ trợ việc làm, thị trường lao động; Bảo đảm sự tham gia của các chủ thể có liên quan, tiếp cận các đối tượng bao gồm các nhà quản lý, hoạch định chính sách thuộc cơ quan chính phủ ở cấp Trung ương và địa phương; Các tổ chức phi Chính phủ, các doanh nghiệp, các cơ quan đào tạo nghiên cứu, các đoàn thể chính trị xã hội các cơ quan thông tin đại chúng và người lao động.
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp phát biểu tại hội nghị |
Theo ông Vũ Phạm Dũng Hà, Trưởng phòng chính sách việc làm, Cục Việc Làm, trong quý I/2023, do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới một số doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động, nghỉ giãn việc, mất việc làm đã số tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Mặc dù thị trường lao động của Việt Nam đang phục hồi nhưng đã bộc lộ những hạn chế liên quan đến chất lượng lao động chưa đáp ứng được thị trường lao động linh hoạt, hiện đại. bền vững và hội nhập. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/QĐ-CP ngày 10/1/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu của chính phủ trong việc phát triển thị trường lao động, thực hiện đột phá nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào vốn con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động, phổ cập nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động ở khu vực phi chính thức, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng và chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số.
Do đó, để những chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực việc làm đi vào cuộc sống, thì vai trò tuyên truyền của các cơ quan báo chí, truyền thông là vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng bảo hiểm thất nghiệp cho rằng, do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới bất ổn các doanh nghiệp không nhận được đơn hàng, do đó nhiều lao động bị chấm dứt hợp đồng và hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ rất kịp thời cho người lao động bị thất nghiệp trong thời gian vừa qua. Do đó, việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với người lao động.
Do đó, cần phải xây dựng và phát triển, duy trì cơ chế, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm và các cơ quan báo chí, truyền thông để cung cấp trao đổi, chia sẻ thông tin, có kế hoạch tuyên truyền đúng trọng tâm, trọng điểm, nhóm đối tượng.
Cùng với đó, phát triển hệ thống thông tin dự báo thị trường lao động đa tầng, đa lĩnh vực theo ngành nghề, cấp trình độ phục vụ người lao động, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách lao động - việc làm.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, đối với cơ quan báo chí cần chú ý tìm hiểu nhu cầu của bạn đọc để cung cấp thông tin. Viết về lĩnh vực việc làm phải đúng, trúng, phản ánh đúng hiện thực lực lượng lao động và các bên tham gia trong quan hệ lao động để tạo sự đồng thuận trong xã hội.