Tăng cường hỗ trợ người lao động Quảng Ninh nỗ lực vượt qua dịch Covid-19
Đà Nẵng: Bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong trước khi có kết quả xét nghiệm Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 Du lịch "ế ẩm" dịp lễ 2/9 |
Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khối ngành du lịch, dịch vụ như: Kinh doanh khách sạn lưu trú, kinh doanh tàu thuyền vận chuyển khách tham quan Vịnh Hạ Long. Đặc biệt, toàn tỉnh có 126 doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch đã gửi đơn xin tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú chỉ duy trì công suất phòng từ 3 - 10% đã ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của gần 10.000 lao động.
Lao động tại Phân xưởng Dệt sợi - Công ty TNHH MTV Vina New tarps Việt Nam (KCN Cái Lân, TP Hạ Long) |
Theo số liệu của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Ninh, trước diễn biến mới, phức tạp, khó lường của dịch Covid – 19 trên địa bàn tỉnh đã có gần 900 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh như: Tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tồn đọng, vốn bị chiếm dụng, đơn hàng mới giảm sút nghiêm trọng.
Đơn cử như Công ty TNHH Giày dép Bách Năng Quảng Ninh (phường Kim Sơn, TX Đông Triều) chuyên gia công, sản xuất giày dép xuất khẩu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty gặp khó khăn về vấn đề nguyên liệu cũng như xuất khẩu. Vì vậy, vừa qua Công ty buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm 200 công nhân. Hiện nay, Công ty duy trì 1.900 công nhân lao động. Trường hợp tiếp tục khó khăn, Công ty buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm thêm lao động.
Đến giữa tháng 8/2020, trên địa bàn tỉnh còn 1.459 đơn vị, doanh nghiệp nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên với số tiền là 103,5 tỷ đồng đã tác động đến 14.261 lao động. Trước tình hình trên, LĐLĐ tỉnh đã nắm tình hình tham gia xây dựng phương án, giám sát, giải quyết chế độ cho người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 488 NLĐ tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ 809 triệu đồng theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và 1.306 giáo viên, NLĐ các trường mầm non tư thục và nhóm lớp độc lập tư thục được hỗ trợ 1,3 tỷ đồng.
LĐLĐ tỉnh làm việc, khảo sát tình hình tại doanh nghiệp có đông lao động về việc bố trí phương án, cắt giảm lao động, đồng thời tuyên truyền để NLĐ yên tâm không dẫn đến tranh chấp lao động. Theo ông Đỗ Cao Thượng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Các cấp Công đoàn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống, tư tưởng CNVCLĐ, đặc biệt là công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19; Đồng thời, tham gia giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp, giãn thời gian đóng phí công đoàn theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Để triển khai tốt chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), hỗ trợ người lao động, thời gian gần đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn liên quan của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm Xã hội, LĐLĐ tỉnh để xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và chi trả trợ cấp thất nghiệp đảm bảo đúng, kịp thời cho người lao động. Trung tâm thường xuyên rà soát, bổ sung các quy định về nhiệm vụ của từng bộ phận; Các quy trình về thời gian giải quyết thủ tục, công việc cụ thể; Quy trình phối hợp thực hiện chính sách BHTN giữa các phòng nghiệp vụ thuộc Trung tâm; Các nội dung phối hợp thực hiện giữa BHXH tỉnh và Trung tâm.
Trung tâm bố trí trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh các điểm tiếp nhận hồ sơ BHTN được phân bổ đều ở các địa phương với khoảng cách đều dưới 60km. Đây là khoảng cách phù hợp với yêu cầu và giúp người lao động không phải di chuyển quá xa. Tại 4 thành phố Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả đều có sàn giao dịch việc làm định kỳ. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Phòng Lao động TBXH một số địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại địa bàn. Đây là cách làm nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người lao động nói chung và lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nói riêng có thể dễ dàng tham gia tìm kiếm việc làm và học nghề.
Để chính sách BHTN ngày càng đi vào cuộc sống, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh hết sức chú trọng đổi mới cả về nội dung và hình thức tuyên truyền, từ việc chỉ tuyên truyền về các quy định và thủ tục giải quyết hưởng TCTN thì nay đã tập trung tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người lao động khi hưởng TCTN. Đồng thời, Trung tâm thường xuyên cử cán bộ đi cơ sở, về tận địa bàn các huyện, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các trường học, trường nghề hướng dẫn, trao đổi, tổ chức tọa đàm về chính sách BHTN. Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền về BHTN cũng được lồng ghép trong các chương trình tập huấn của Sở LĐ- TB&XH cho các đơn vị, doanh nghiệp; qua các hội nghị tuyên truyền phổ biến và đối thoại pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN giữa Sở LĐ-TB&XH với LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh...