Tăng cường kết nối, hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động
Kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động
Không chỉ hỗ trợ kết nối việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội còn thực hiện vai trò quan trọng, kịp thời giải quyết các chế độ về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động…
Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (số 215 Trung Kính, quận Cầu Giấy) giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chị Hoàng Thị Hải Hà, trú tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: "Với số tiền trợ cấp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp khi đi làm, tương ứng với số tiền gần 4 triệu đồng/tháng, cuộc sống của tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều. Ngoài ra, tôi còn được tư vấn giới thiệu việc làm, nên đã nộp hồ sơ ứng tuyển một doanh nghiệp cần tuyển lao động phù hợp với công việc tôi từng làm".
Nhận thấy rõ lợi ích của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ngày càng có nhiều người trên địa bàn thủ đô tham gia vào chính sách này. Số liệu của BHXH thành phố Hà Nội cho thấy, trong năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 1,9 triệu người, chiếm 38,9% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt 1,4% chỉ tiêu được HĐND, UBND thành phố giao.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã thực hiện vai trò quan trọng, kịp thời giải quyết các chế độ về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động |
Còn theo số liệu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong tháng 12, Sở đã tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 5.409 người, số tiền được hỗ trợ 151 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm 7.181 người; hỗ trợ học nghề 94 người, số tiền hỗ trợ học nghề 411 triệu đồng.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận, thẩm định 72.680 hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp; Sở ra Quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 70.232 người với số tiền hỗ trợ 1.873 tỷ đồng; Tư vấn giải quyết việc làm cho 72.680 người; Hỗ trợ học nghề 1.581 người, số tiền hỗ trợ 7,043 tỷ đồng.
Số lượng người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tương đương so với cùng kỳ năm 2021. Với việc thực hiện hiệu quả các giải pháp tạo việc làm, cuối năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức 3,18%, đạt kế hoạch <4% mà thành phố đã đề ra từ đầu năm, thấp hơn 0,79 điểm % so với năm 2021.
Như vậy, từ khi ra đời, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã luôn phát huy vai trò cấp thiết trong việc giúp người lao động giải tỏa áp lực, ổn định cuộc sống, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Triển khai gói hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị định 116/NQ-CP của Chính phủ, Hà Nội đã thực hiện chi trả cho 1.681.342 người, số tiền là 4.093,73 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Nghị quyết 24/2022/UBTVQH15, Hà Nội đã thực hiện chi trả cho 87.197 người với số tiền 251,3 tỷ đồng.
Đẩy mạnh tạo việc làm cho lao động Thủ đô
Tuy mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay còn không ít khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện tập trung cho việc trợ cấp mất việc làm cho người lao động là chủ yếu, còn các chính sách hỗ trợ khác, như hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề sau khi người lao động mất việc làm hoặc hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động tại doanh nghiệp giúp họ có việc làm lâu dài chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, dù các bên tiến hành tư vấn về việc làm cho 100% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng 11 tháng năm 2022, Hà Nội chỉ có gần 1.500 người trong tổng số gần 66.000 người lựa chọn học nghề (bằng hơn 2%).
Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp |
Nói về những giải pháp để phát huy tốt công tác giải quyết việc làm, ông Nguyễn Tây Nam, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở sẽ tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp và đời sống người lao động. Đặc biệt là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động. Qua đó, góp phần quan trọng duy trì sự ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Trong quý 1/2023, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay hiệu quả từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch việc làm. Ngoài ra, Sở tiếp tục hoàn thành việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn thành phố; Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố tổ chức hội nghị thúc đẩy phát triển thị trường lao động trên địa bàn thành phố; Ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, qua đó giảm thời gian giải quyết và nâng cao được tính chính xác về giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời kết nối hỗ trợ giới thiệu được việc làm cho người lao động.