Tăng cường quảng bá, giới thiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP
Nhân rộng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
Theo thống kê, toàn thành phố Hà Nội hiện có 14 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong đó, quận Hà Đông nhiều nhất với 6 điểm; Quận Bắc Từ Liêm có 2 điểm; Các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Gia Lâm, Thanh Trì, Quốc Oai, Tây Hồ và Cầu Giấy đều có 1 điểm.
Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu đều là các sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên, tập trung vào các nhóm ngành hàng đặc trưng, có thế mạnh của Hà Nội như lụa tơ tằm, thực phẩm tươi sống, rau củ quả an toàn… Đặc biệt là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đều được quản lý, giám sát chặt chẽ về nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm các yêu cầu về an toàn chất lượng. Qua đó, các điểm dần trở thành những địa chỉ đáng tin cậy cho người tiêu dùng Thủ đô.
Các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đều được quản lý, giám sát chặt chẽ về nguồn gốc hàng hóa |
Để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP, trong năm 2021, UBND thành phố Hà Nội chủ trương phát triển mới từ 30 - 40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm. Điểm mới trong kế hoạch này, các điểm bán sản phẩm OCOP sẽ gắn kết với hoạt động du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng đến vai trò của các quận, huyện, thị xã trong việc phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Theo đó, thành phố đang chỉ đạo các địa phương tập trung vào việc hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đăng ký địa điểm phù hợp theo quy định. Đồng thời, các địa phương bố trí kinh phí hỗ trợ nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, bảo đảm việc duy trì có hiệu quả các địa điểm.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trên cơ sở đề xuất của các quận, huyện, thị xã, đơn vị sẽ phối hợp cùng các Sở, ngành có liên quan khảo sát, lựa chọn các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; Tổ chức lễ khai trương cũng như đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm.
Sản phẩm OCOP góp phần tăng trưởng kinh tế
Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn, xây dựng Nông thôn mới bền vững. Chủ thể của chương trình do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Chương trình cũng khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn.
Trong giai đoạn tới, UBND thành phố Hà Nội chủ trương phát triển mới từ 30 - 40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP |
Thông qua chương trình OCOP, kinh tế nông thôn sẽ được phát triển theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các nhóm sản phẩm đặc sản có lợi thế ở làng, xã trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ, nhất là chú trọng phát triển các nghề, làng nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, chương trình OCOP sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn.
Đối với Hà Nội, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức một cách bài bản và chuyên nghiệp, các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP đã được khẳng định vị trí riêng.
Việc tập trung xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm hiểu và phân phối, mở rộng thị trường; Xây dựng các điểm bán các sản phẩm OCOP các quận, huyện, thị xã. Nhiều hợp đồng giữa các chủ thể với các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn được ký kết và đặc biệt là góp phần tạo điều kiện đưa các sản phẩm OCOP vào các thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản hiện đã và đang được tổ chức thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho biết: Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội vẫn xác định chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Nông thôn mới. Do vậy, để tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình OCOP, Hà Nội đề xuất kiến nghị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền đi cùng với việc đổi mới phương thức quản lý, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, thành phố phát triển, nâng cấp, hỗ trợ, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng mỗi năm ít nhất khoảng 400 sản phẩm mới; Ưu tiên các sản phẩm từ ý tưởng, sản phẩm đặc sản các vùng miền, làng nghề có thương hiệu, sản phẩm chủ lực của các địa phương, có sự tham gia đông đảo của cộng đồng; Trên sản phẩm được tham gia có đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia theo quy định.
Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; Lồng ghép, tổ chức hội chợ OCOP và diễn đàn kết nối giao thương; Hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế nhằm quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Từ đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm hiểu nhà phân phối, mở rộng thị trường; Xây dựng các điểm bán các sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã.