Tập trung hỗ trợ người thất nghiệp trở lại thị trường lao động
Số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp ngày càng gia tăng
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của hơn 9 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Nếu dịch được khống chế, trong thời gian tới vẫn có khoảng 2,5 triệu lao động bị ảnh hưởng.
Thực trạng này kéo theo nhiều vấn đề an sinh xã hội, rõ nhất là việc giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Cụ thể, riêng 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 470.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Đa số người lao động đề nghị hưởng chính sách này gặp khó khăn về việc làm, thu nhập nên họ cần có tiền để trang trải cho cuộc sống trước mắt.
Cùng với đó, số lao động nhận chế độ trợ cấp thất nghiệp chưa có dấu hiệu giảm, tính đến hết ngày 5/9 có 795.165 lao động của 29.352 đơn vị sử dụng lao động được cơ quan BHXH xác nhận để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 62/63 tỉnh, thành phố. Ở khu vực kinh tế phi chính thức (không có hợp đồng lao động), tuy không có con số thống kê cụ thể nhưng theo đánh giá của các địa phương, do khó tiếp cận với cơ hội việc làm, số lao động rơi vào cảnh thất nghiệp khá phổ biến.
Thời gian qua, các địa phương đã ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp hoặc có nguy cơ bị thất nghiệp |
Nhằm hỗ trợ lao động thất nghiệp trở lại thị trường, các cơ quan chức năng đã, đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực, đồng thời đề xuất các định hướng chính sách mang ý nghĩa nhân văn, góp phần tạo giá đỡ an sinh xã hội, giúp họ có điểm tựa vươn lên. Giải pháp trước mắt là hỗ trợ đột xuất cho nhóm lao động thất nghiệp hoặc có nguy cơ bị thất nghiệp.
Từ gói an sinh xã hội của Chính phủ, thời gian qua cả nước đã hỗ trợ cho gần 230.000 lao động có giao kết hợp đồng lao động với số tiền hơn 258 tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ cho gần 1,1 triệu lao động tự do với số tiền hơn 1.001 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm cũng đã hỗ trợ sinh kế cho người lao động mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn.
Mới đây, tại Hà Nội, hơn 500 gia đình có lao động bị ảnh hưởng sâu về việc làm, thu nhập tại huyện Sóc Sơn, Thanh Oai và Ứng Hòa được hỗ trợ sinh kế với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng (mỗi hộ nhận được từ 1 đến 3 triệu đồng) từ dự án “Ứng phó với dịch Covid-19” do Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) tài trợ.
“Sự quan tâm kịp thời của các cơ quan chức năng vừa giúp gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn, vừa là động lực thôi thúc chúng tôi tìm việc làm mới”, chị Nguyễn Thị Tùng (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) chia sẻ.
Ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp
Về lâu dài, các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp về an sinh xã hội, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp hoặc có nguy cơ bị thất nghiệp.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đồng ý miễn đóng bảo hiểm y tế với người tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng tiền lương tại những đơn vị phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian miễn đóng tối đa 8 tháng, tính từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022.
Đào tạo nghề cho người thất nghiệp được xem là giải pháp tối ưu giúp họ nhanh chóng quay lại thị trường lao động |
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình số 34/TTr-LĐTBXH đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ đề xuất sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động để duy trì việc làm; Hỗ trợ trực tiếp lao động dừng hợp đồng, lao động nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cùng nhiều chính sách trợ giúp khác.
Đáng chú ý, tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 về “Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động”, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19.
Đón nhận thông tin này, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Meiko (Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội) Phan Thanh Hải cho hay: “Các định hướng chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động nêu trên nếu được triển khai sẽ là đòn bẩy giúp lao động thất nghiệp sớm trở lại thị trường...”.
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân cho biết: Sở đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, định hướng các địa phương ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp. Đồng thời tăng cường kết nối với doanh nghiệp để đưa lao động thất nghiệp trở lại thị trường việc làm. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội đã hỗ trợ cho gần 1.000 lao động thất nghiệp học nghề, cung ứng dịch vụ việc làm cho gần 50.000 lao động...
Có thể nói, những giải pháp thiết thực nêu trên chắc chắn sẽ giúp cho số lao động thất nghiệp, bị ảnh hưởng về việc làm sẽ giảm dần, đời sống của người dân, người lao động tăng lên và mục tiêu năm 2021, cả nước phấn đấu duy trì tỷ lệ lao động thất nghiệp ở mức dưới 3% mà ngành Lao động Thương binh và Xã hội đặt ra sẽ được thực hiện hiệu quả.