Tập trung phát triển thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh các sản phẩm OCOP
Nâng cao giá trị nông sản
Bắt tay vào thực hiện chương trình OCOP từ năm 2019, thị xã Sơn Tây đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể và đặt mục tiêu giai đoạn 2019 - 2020 có ít nhất 34 sản phẩm được thành phố đánh giá phân hạng, công nhận đạt 3 - 4 sao.
Hiện thực hóa mục tiêu này, Sơn Tây đã có nhiều cách làm hay trong hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp và sản phẩm làng nghề đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Theo đó, thị xã chủ động phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội và các đơn vị khác tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện chương trình. Đồng thời, ban hành Đề án Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2030.
Cơ sở bánh kẹo truyền thống Hiền Bao, xã Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây) |
Để chương trình đạt hiệu quả cao, bên cạnh chú trọng chuyển giao kỹ thuật cho người lao động, tháo gỡ khó khăn cho các hộ về cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất, thị xã còn hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, thương hiệu tập thể cho các sản phẩm; phát triển, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, bao bì, tem nhãn hàng hóa…
Sau khi các sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, thị xã Sơn Tây đã xây dựng các chương trình, kế hoạch quảng bá, giới thiệu rộng rãi. Cụ thể, thị xã đã lựa chọn 3 điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn tại: Đền Và (phường Trung Hưng); chùa Khai Nguyên (xã Sơn Đông) và cổng làng Mông Phụ (xã Đường Lâm).
Các điểm giới thiệu đã trực tiếp góp phần thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa chất lượng cao phục vụ người dân; tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp và khách hàng. Thông qua đó, tạo tiền đề để các hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị và người dân tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Với hướng đi bài bản, đúng đắn đến hết năm 2019, thị xã Sơn Tây có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Chả cá Thuần Việt, thịt Gà Mía Sơn Tây, giò lợn Phùng Thị Quế, kẹo lạc, kẹo dồi Quý Thảo.
Phát huy kết quả đạt được, thị xã tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chương trình, nhờ vậy năm 2020, Sơn Tây có thêm 29 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Kết quả, 29 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, trong đó 4 sản phẩm 4 sao và 25 sản phẩm 3 sao. Như vậy, đến nay, toàn thị xã có 34 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao và 30 sản phẩm 3 sao.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện chương trình OCOP, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tạ Thanh Phong cho biết: Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chương trình, thị xã cũng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia.
Đồng thời, thị xã cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã… hoàn thiện cơ sở sản xuất, kinh doanh để đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng các sản phẩm theo tiêu chí OCOP và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt, việc kịp thời động viên, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích cũng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều chủ thể tham gia chương trình.
Tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu
Thực tế, trên địa bàn thị xã Sơn Tây có rất nhiều sản phẩm tiềm năng OCOP như kẹo lạc, kẹo vừng của xã Đường Lâm; miến dong xã Cổ Đông; chả cá, trà hoa cúc xã Sơn Đông; mật ong xã Kim Sơn; dưa và rau các loại phường Viên Sơn; bánh tẻ Phú Nhi của phường Phú Thịnh và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.
Tuy nhiên, các sản phẩm của thị xã vẫn còn một số hạn chế do quy mô sản xuất nhỏ, chưa có bao bì đạt tiêu chuẩn thuận tiện, đẹp, sang trọng, thân thiện với môi trường, thông tin đầy đủ, có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp.
Sản phẩm chưa có tính độc đáo, sự khác biệt với những sản phẩm cùng chủng loại. Vì vậy, sản phẩm chưa có nhiều sức cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao. Khu vực tiêu thụ, phân phối tập trung chủ yếu trên địa bàn thị xã và các huyện lân cận nên giá trị chưa cao.
Sản phẩm Mật Ong Kim Sơn của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn, xã Kim Sơn được phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao (Ảnh tư liệu) |
Theo định hướng, giai đoạn 2021 - 2025, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển, nâng cấp, hỗ trợ, hoàn thiện, tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2025 có 100 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 20 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, 80 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tạ Thanh Phong cho biết, thị xã sẽ khắc phục những hạn chế nêu trên, tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, bởi chỉ khi sản phẩm tiêu thụ tốt, mang lại giá trị kinh tế thiết thực thì mới thu hút được sự tham gia của các chủ thể.
Chính vì vậy, thị xã tập trung xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm OCOP nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác sản xuất. Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và sản phẩm làng nghề.
Với cách làm bài bản, sáng tạo, đến nay, thị xã Sơn Tây phát triển được nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề chất lượng cao, được thị trường đón nhận. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp các địa phương giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.
Đây được coi là hướng đi đúng trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |